Cây Mùi - còn được biết đến với các tên gọi như: Mùi ta, Ngò, Ngò rí, Hồ tuy, Nguyên tuy, Hương tuy... - loài cây thân thảo, thuộc họ hoa tán. Từ bao đời nay, loại rau gia vị ấy đã quá đỗi thân thuộc với người dân nước Việt mình. Bát canh măng miến, đĩa thịt xào, đĩa nộm đu đủ hay nộm hoa chuối... trong bữa cơm ngày thường cũng như mâm cỗ ngày Tết mà không có vài cọng rau mùi rắc lên thì coi như kém ngon mất một nửa rồi.
Khoa học ngày nay đã chứng minh cây Mùi có nhiều loại sinh tố và khoáng chất rất tốt cho cơ thể con người cả khi dùng làm rau gia vị hoặc làm sản phẩm tắm.
Thế mới biết, các cụ nhà ta từ ngày xưa đã “tinh vi” thật! Chẳng ai biết tục tắm bằng cây Mùi già có từ bao giờ, chỉ biết cứ mỗi độ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán là những gánh, những chiếc xe đạp, xe máy đầy ắp Mùi già lại xuất hiện trong các phiên chợ Tết ở làng quê và nhiều ngõ ngách nơi phố thị. Mùi già chỉ bán trong những buổi chợ cuối năm cho nên cứ thấy Mùi già là thấy Tết.
Để có được những cây Mùi già ấy, các gia đình trồng rau thường bớt lại ở luống rau những cây Mùi to, khỏe để chúng ra hoa kết quả lấy hạt làm giống vụ sau hoặc dùng nấu nước tắm chiều 30 Tết. Những cây Mùi còn bớt lại ấy vươn cao chừng nửa mét là bắt đầu trổ hoa. Những chấm hoa tí xíu màu trắng, tỏa hương kín đáo giữa thảm lá xanh mướt, mảnh mai. Mùi ra hoa rồi kết quả. Những quả Mùi xanh ngắt, tròn xoe, chỉ to bằng hạt đỗ xanh, treo khắp thân cây. Lúc ấy, nhìn những thân cây rau Mùi già khẳng khiu và mong manh như những cây tăm gầy đeo những chùm hạt căng mẩy, nhỏ nhắn tròn xoe đứng phất phơ trên những mảnh ruộng giữa cánh đồng lộng gió lạnh cuối năm khiến ai cũng thấy nao lòng... Đứng cạnh luống Mùi già, có khi chưa thấy hương thơm, nhưng cứ lấy tay chạm khẽ vào cây là mùi thơm sẽ dậy lên.
Bây giờ, huyện Thanh Oai - ngoại thành Hà Nội - vẫn còn một làng duy nhất là làng Hoạch An giữ được nghề trồng cây Mùi già bán trong dịp Tết Nguyên đán với gần 40 hộ dân canh tác. Mùi được gieo bằng hạt trên luống đất tơi mềm vào cuối tháng 9 âm lịch, sau khoảng 2 tháng, cây Mùi cao chừng hai gang tay là bắt đầu ra hoa rồi kết trái. Đó là lúc những cây Mùi bắt đầu già, thân chuyển dần từ xanh sang tía rồi nâu sẫm và đến độ thu hoạch. Mùi già được thu hoạch rộ từ ngày 27 đến 30 Tết phục vụ nhu cầu tắm “tất niên” của người dân.
Để nấu nước tắm, cây Mùi già mua về phải rửa sạch bụi đất nhưng chú ý không để giập nát lá, rồi cho vào nồi nước đun sôi. Chỉ cần hai bó Mùi già nho nhỏ thì khi nồi nước sôi đã bốc hương thơm lừng, ấm áp, tinh khiết, nhẹ nhàng lan tỏa khắp nhà. Theo quan niệm dân gian, khi tắm thứ nước lá Mùi này, mọi vận đen đủi, buồn phiền lo lắng trong năm cũ được gột bỏ, chỉ còn lại trong ta một cảm giác sảng khoái để đón một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc và may mắn hơn.
Thật lạ! Những mùi hương quen thuộc luôn được lưu giữ rất sâu trong tâm thức của mỗi người, dù xa dù gần, dù ở tuổi ấu thơ hay khi năm tháng tuổi già. Mùa hè thơm ngát hương sen bên chén trà mạn nồng nồng. Mùa thu bồi hồi mùi cốm xanh trong nắng vàng như mật ong. Mùa đông se sắt bên bếp lửa hồng với mùi ngô, khoai nướng thơm ngào ngạt. Và vào những ngày cuối năm tất bật háo hức chờ Tết đến, chẳng có gì xao xuyến hơn hương thơm của lá Mùi già thanh tao mà ấm áp báo hiệu Tết đã đến rất gần. Đời cây Mùi tuy ngắn ngủi nhưng đã kết thành hương thơm để bao thế hệ, bao đời người không quên.
Chuẩn bị cho ngày Tết có Đào, có Quất mà chưa có hương Mùi già thì hình như còn thiếu và Tết dường như vẫn chưa về. Ngày xưa, dù công việc có bận rộn đến mấy, Tết có đầy đủ đến mấy thì tục tắm nước lá Mùi già vào ngày 30 Tết không thể thay thế. Bất cứ ai đã từng được tắm nước lá Mùi già vào chiều ngày cuối năm ấy, chắc hẳn đều nhớ da diết, nhớ đến cồn cào hình ảnh của bà, của mẹ lụi cụi trong bếp với một nồi nước to có khói bốc lên nghi ngút. Với tôi, cái mùi hương nhẹ nhàng lan tỏa từ thứ nước sóng sánh ấy đong đầy hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nhưng đầy ắp yêu thương của mẹ tôi. Cứ đến chiều 30 Tết, mẹ tôi đun một nồi nước thật to có lá Mùi già cho cả gia đình. Bây giờ mẹ tôi trở thành người thiên cổ đã hơn 30 năm rồi. Tôi cũng đã là một ông già tuổi ngoài thất thập. Ấy vậy mà cứ ngửi thấy hương mùi già vào chiều ngày cuối năm là tôi lại nhớ hình ảnh mẹ hiền từ, cặm cụi trong bếp, bên nồi nước Mùi già để tắm cho cả gia đình…
Nhằm đáp ứng yêu cầu cuộc sống hiện đại và giúp mọi người đỡ phải đun nồi nước tắm lỉnh kỉnh, mấy năm gần đây, một số cơ sở sản xuất đã thu mua cây Mùi già của bà con nông dân đem chưng cất thành tinh dầu Mùi già hoặc làm ra những bánh xà phòng tắm mang tên “Mùi Tết” vừa có thể bảo quản được lâu, vừa thuận tiện cho người tiêu dùng.
Có thể nói, dù cuộc sống hiện đại bây giờ mỗi ngày một khác, dù con người phải bận rộn lo toan trong nhịp sống hối hả hôm nay mà quên đi những nét đẹp giản dị xưa cũ, dù bây giờ đã có bao nhiêu thứ nước hoa hảo hạng hay sữa tắm cầu kỳ thì chắc chắn vẫn còn rất nhiều người không quên được hương Mùi già của nồi nước tắm tất niên! Trong vô vàn mùi hương của Tết, hương Mùi già chiều 30 Tết vẫn mang đến một cảm giác bình yên, ấm áp đến lạ kỳ!./.