(BKTO) - Theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, vào năm 2015, KTNN sẽ có thêm 1 đơn vị mới là Thời báo Kiểm toán.



Nguyên Tổng biên tập Nguyễn Thắng (bên trái) kiểm tra số báo đầu tiên tại nhà in. Ảnh tư liệu

Đối với một ngành, việc ra đời cơ quan truyền thông mới không hề đơn giản, bởi vậy, lãnh đạo KTNN, đặc biệt là Tổng Kiểm toán nhà nước Vương Đình Huệ thời kỳ đó đã đặc biệt quan tâm, dành nhiều thời gian chỉ đạo, định hướng các bước đi vừa thận trọng, vừa bài bản và sát với điều kiện thực tế. Ngay từ năm 2009, Ban cán sự đảng KTNN đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành các công tác chuẩn bị, trong đó, Tạp chí Kiểm toán là đơn vị nhận trách nhiệm chính. Kể từ đó, ngoài công tác chuyên môn, Tạp chí đã xúc tiến khẩn trương mọi tiền đề để sớm cho ra đời tờ báo.

Giai đoạn này, lãnh đạo KTNN đã tạo điều kiện để Tạp chí Kiểm toán có chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm tại KTNN Trung Quốc - nơi cũng có mô hình Tạp chí và Báo phát triển song hành. Ngay bản thân tôi, thời kỳ này đang học lớp Chuyên viên cao cấp cũng đã chọn đề tài về “Thành lập tuần báo Kiểm toán” làm bài thi tốt nghiệp. Tạp chí Kiểm toán sau đó cũng đã bảo vệ xuất sắc Đề tài nghiên cứu khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn thành lập Thời báo Kiểm toán”. Có thể nói, đến lúc này, hình hài về một tờ báo trong tương lai của KTNN đã được định hình rõ nét.

Ngày 08/10/2010, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký quyết định thành lập Ban Xây dựng Đề án thành lập Thời báo Kiểm toán, ngoài cán bộ của KTNN, thành viên của Ban còn đến từ Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Nhân dân và Thông tấn xã Việt Nam. Sau khi Đề án được hoàn thành, KTNN đã tổ chức 3 Hội nghị để lấy ý kiến: 1 Hội nghị do Tổng Kiểm toán nhà nước Vương Đình Huệ chủ trì, 2 Hội nghị do Tổng Kiểm toán nhà nước Đinh Tiến Dũng chủ trì. Đáng chú ý là tại Hội nghị lần thứ 3, trong phát biểu của mình, đại diện Ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho rằng: Thời điểm này, Chính phủ đang rất hạn chế việc thành lập tổ chức mới và gia tăng biên chế, vì vậy, nếu KTNN muốn có ngay tờ báo thì thuận lợi nhất là chuyển Tạp chí Kiểm toán hiện có thành tuần báo, vừa không tăng bộ máy, vừa tận dụng được đội ngũ cán bộ phóng viên và cơ sở vật chất đang có… Vậy là Hội nghị đã thống nhất với phương án này. Căn cứ vào Tờ trình của KTNN, tháng 4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết chuyển Tạp chí Kiểm toán thành Báo Kiểm toán!

Nhân đây cũng nhắc lại chuyện tác giả của măng sét Báo và sự biến mất của từ “Thời báo”: Để chuẩn bị cho ra đời tờ báo, ngay từ năm 2008, Tổng Kiểm toán nhà nước Vương Đình Huệ đã nhờ đồng chí Đinh Thế Huynh, khi đó đang là Tổng biên tập Báo Nhân dân giúp KTNN xây dựng tờ báo. Nhà báo Lê Quốc Khánh - Ủy viên Ban biên tập, Trưởng Ban Thư ký - Biên tập của Báo Nhân dân (sau này là Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân) đã được cử sang giúp đỡ. Có thể nói, Báo Nhân dân đã rất vô tư và nhiệt tình khi giúp chúng ta thiết kế hàng chục mẫu măng sét để cuối cùng chọn được mẫu như hiện nay, đồng thời đã thiết kế giúp toàn bộ trang đầu của Báo Kiểm toán. Trong lần cuối chọn măng sét, thấy chữ “Thời báo” nhỏ bé bên trên chữ Kiểm toán màu đỏ to đậm, Tổng Kiểm toán nhà nước Đinh Tiến Dũng cho rằng không cần thêm chữ “Thời báo” hoặc “Báo” vào, chỉ để mỗi chữ Kiểm toán là đủ, giống Báo Nhân dân cũng chỉ có chữ Nhân dân mà thôi!

Như đã đề cập, trong tháng 4/2012, việc chuyển Tạp chí Kiểm toán thành Báo Kiểm toán đã được các cơ quan hữu quan ký ban hành, theo quy định, sau 3 tháng tổ chức mới phải đi vào hoạt động. Vậy là bắt đầu cuộc chạy đua với thời gian, từ việc sắp xếp lại nhân sự cũ, tuyển phóng viên mới, mua sắm thêm máy móc thiết bị, rồi chuẩn bị các chuyên mục, bài vở tối thiểu cho 3 kỳ liên tiếp… Thật may mắn là trong giai đoạn khó khăn này, Báo đã nhận được sự quan tâm, ưu ái rất lớn từ lãnh đạo KTNN, sự hỗ trợ và sẻ chia từ Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng KTNN và các đơn vị có liên quan nên mọi nhu cầu mà Báo đề xuất đều được đáp ứng trọn vẹn!

Lo lắng lớn nhất còn lại của tôi trong những ngày này là làm sao có thể ra được Báo hằng tuần, trong khi trước đó còn “đủng đỉnh” mỗi tháng 1 số?! Mặc dù tôi đã có thâm niên làm báo gần 30 năm nhưng cũng chỉ toàn làm Tạp chí và trong giai đoạn này, lãnh đạo Báo vẫn chỉ có mình tôi. Vậy là tính nước mời chuyên gia. Thật may, biết tin nhà báo Nguyễn Hữu Mão - Tổng Thư ký tòa soạn Thời báo Tài chính - chuẩn bị nghỉ hưu, tôi đã sang mời anh tới giúp Báo những ngày đầu gian khó. Có thể nói, trong quãng thời gian dài sau đó, anh Mão làm việc không chỉ như một Thư ký tòa soạn mà còn là người trực tiếp hướng dẫn, kèm cặp lứa phóng viên trẻ mới được tuyển chọn. Với sự tận tâm, trách nhiệm và hòa đồng, anh được tập thể anh chị em Báo yêu quý và luôn được nhắc đến với tình cảm trân trọng.

Nhớ về những ngày đầu chuẩn bị ra báo không thể không nhắc đến nghĩa tình mà các cộng tác viên - những chuyên gia kinh tế uy tín đã dành cho Báo, đó là chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, GS,TSKH. Nguyễn Thị Hiền trong suốt 2 năm đầu tiên đứng tên trong chuyên mục “Vấn đề hôm nay”, kế tiếp sau đó là GS. Đặng Hùng Võ, TS. Nguyễn Minh Phong…

Như vậy là sau 3 tháng chuẩn bị, ngày 05/7/2012, Báo Kiểm toán chính thức ra mắt số đầu tiên, sớm gần 3 năm so với Chiến lược đề ra.

Trên cương vị nhiều năm là lãnh đạo Tạp chí và Báo, tôi có thể khẳng định rằng, kể cả những ngày đầu chuẩn bị ra Báo cho tới suốt cả quá trình hoạt động, Báo Kiểm toán phát triển và có được như ngày nay là nhờ được thừa hưởng trọn vẹn những thành quả và truyền thống tốt đẹp của Tạp chí Kiểm toán mà các đồng chí Tổng biên tập Hà Ngọc Son, Vương Đình Huệ, Lê Minh Khái đã dày công gây dựng trong suốt 17 năm trước đó.

NGUYỄN THẮNG - nguyên Tổng biên tập Báo Kiểm toán
Cùng chuyên mục
Nhớ lại những ngày chuẩn bị ra Báo