Các họa sĩ, công chúng tại tọa đàm "Còn mãi với thời gian" diễn ra trong không gian triển lãm sáng ngày 26/7. Ảnh: N.LỘC |
Ký ức chiến trường qua bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, chiến sĩ
Phần lớn các hiện vật được trưng bày là sản phẩm của các nghệ sĩ, cựu chiến binh từng có thời gian dài “nếm mật nằm gai” nơi chiến trường. Chiến tranh qua đi, nhưng những người chiến sĩ năm nào vẫn thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình trong công cuộc xây dựng Tổ quốc.
Bức tượng “Bài ca người mẹ” của họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng được đặt trang trọng tại không gian bảo tàng là sản phẩm do chính tay một người lính nghệ sĩ tạo nên. Bức tượng được ông sáng tác vào năm 1992, làm từ chất liệu gỗ mít và năm 1993, ông đã dành tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bức tượng mang dáng vóc một người mẹ lưng đeo súng và ba lô, trên tay có cánh chim hòa bình, có cây đàn với thông điệp vượt qua đau thương, mất mát của chiến tranh, dân tộc ta luôn hướng đến hòa bình.
Triển lãm, tọa đàm "Còn mãi với thời gian" còn góp phần giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", bồi đắp lý tưởng sống cho thế hệ trẻ. Ảnh: N.LỘC |
Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn, đó là tác phẩm được tạo nên bởi một nghệ sĩ, chiến sĩ với đôi mắt có thị lực rất kém do bị thương trong chiến đấu. Với tình yêu đất nước sâu sắc, vượt qua khó khăn, hạn chế về sức khỏe, họa sĩ đã miệt mài sáng tác và tổ chức hàng chục cuộc triển lãm; giành được nhiều giải thưởng mỹ thuật trong và ngoài nước.
Bức tượng “Bài ca người mẹ” của họa sĩ Lê Duy Ứng là một trong số 69 tác phẩm của 62 tác giả, trong đó có 17 tác giả là họa sĩ - chiến sĩ, được lựa chọn từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Triển lãm cũng có những bức tranh của các họa sĩ thời hiện đại vẽ về thời chiến, hoặc thể hiện qua góc nhìn hiện đại, như “Quảng Trị năm 1972” của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu vẽ năm 1999, “Đối mặt” của Nguyễn Tuấn Long vẽ năm 2009, “Bên sông Sê Đôn” của họa sĩ Nguyễn Tiến Dũng năm 2004, “Người đồng đội được tìm lại” của Nguyễn Cương vẽ năm 1994, “Không trở về” của họa sĩ Lê Quang Hà vẽ năm 1994, “Ký ức Điện Biên” của Nghiêm Văn Minh năm 2004…
Khẳng định tầm vóc, khí phách của người lính Cụ Hồ
Vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, các nghệ sĩ, chiến sĩ tiếp tục trở thành những điểm tựa quan trọng trong xã hội hôm nay. Qua bàn tay tài hoa của mình, các nghệ sĩ đã tạc nên những bức tượng đài nghệ thuật về người lính, về chiến tranh với thông điệp về lòng yêu nước, yêu dân tộc và khí phách của những người lính Cụ Hồ.
Tại tọa đàm cùng tên diễn ra trong không gian Triển lãm sáng ngày 26/7, những phẩm chất, khí phách anh hùng của người lính Cụ Hồ tiếp tục được làm nổi bật, qua trao đổi chuyên sâu của các tác giả là họa sĩ, chiến sĩ.
Ấn tượng nổi bật, đó là các tác phẩm, dù viết dưới các thể loại, bút pháp khác nhau song đều ghi lại những khoảnh khắc chân thật và sống động về hình ảnh người lính anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, như các ký họa: Đồng chí Trung Kiên và Đồng chí Khương y tá trong trận Bình Giã (họa sĩ Cổ Tấn Long Châu)... và các lực lượng đã chung sức làm nên những chiến công như Mở đường thắng lợi (họa sĩ Ngô Mạnh Lân), Nuôi quân (họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp), Rừng cười (họa sĩ Nguyễn Trường Linh)…
Các anh hùng đã hy sinh quên mình và tên tuổi của các anh còn lưu danh mãi mãi được khắc họa trong các tác phẩm Nguyễn Văn Trỗi (họa sĩ Đạo Khánh), Tô Vĩnh Diện chèn pháo (họa sĩ Dương Hướng Minh), Phan Đình Giót (họa sĩ Huy Toàn).
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đã để lại những đau thương, mất mát không gì bù đắp được, thể hiện qua những tác phẩm đặc tả sự đau khổ, mất mát hy sinh, sức chịu đựng của con người trong chiến tranh: Anh thương binh (nhà điêu khắc Phạm Mười), Ca mổ trong hang sơ tán (họa sĩ Trần Ngọc Hải)… và cả những nỗi đau sau cuộc chiến như tác phẩm: Người đồng đội được tìm lại, Người đàn bà ở phố Khâm Thiên…
Triển lãm thu hút đông đảo công chúng, với đủ thế hệ tìm về. Ảnh: N.LỘC |
Dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, nhưng đời sống tinh thần của chiến sĩ, thương binh vô cùng phong phú, thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi như Trong lán dân quân (họa sĩ Nguyễn Văn Chung), Thương binh xem triển lãm (họa sĩ Xuân Hồng), Đêm trăng qua vọng gác (họa sĩ Mai Long). Bên cạnh đó, dấu ấn sáng tác của các nghệ sĩ, chiến sĩ không thể không kể đến những tác phẩm thể hiện tình quân - dân gắn kết, như: Đón anh về (nhà điêu khắc Lê Thược), Nuôi giấu thương binh (họa sĩ Thọ), Giã gạo nuôi quân (họa sĩ Phạm Việt), Mẹ Thứ - Mẹ Việt Nam anh hùng (nhà điêu khắc Nguyễn Minh Đỉnh), Bài ca người mẹ (nhà điêu khắc Lê Duy Ứng)…
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh chia sẻ, điều xúc động từ cuộc triển lãm này, đó là rất nhiều cựu chiến binh, dù sức khỏe rất yếu như Đại tá, họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng vẫn tích cực tham gia triển lãm. Trong mọi hoàn cảnh, các nghệ sĩ, chiến sĩ vẫn giữ vững được phẩm chất, khí phách của anh bộ đội Cụ Hồ và soi sáng những bước đi hôm nay cho thế hệ trẻ. Qua những việc làm cụ thể và giàu ý nghĩa như sáng tác tranh, điêu khắc… các nghệ sĩ đã truyền tải cảm nhận sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng hòa bình, lòng tri ân và biết ơn những người đã cống hiến, hi sinh vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống bình yên tươi đẹp hôm nay.
Triển lãm được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), kéo dài đến hết ngày 29/7. Với 69 tác phẩm của 62 tác giả được lựa chọn trong sưu tập của hai bảo tàng, triển lãm thể hiện những góc nhìn chân thực về hình tượng người chiến sĩ, những ký ức không quên về các cuộc chiến tranh và tình cảm, lòng tri ân đối với các Mẹ Việt Nam anh hùng, những dân quân, y sĩ, bác sĩ và rất nhiều những tấm gương bình dị đã lặng lẽ dâng hiến tuổi thanh xuân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. |
NGUYỄN LỘC