Những lưu ý khi kiểm toán các ước tính kế toán trong thời đại dịch Covid-19

(BKTO) - Đại dịch Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng cùng các rủi ro trong thanh toán, ứng dụng công nghệ ngày càng gia tăng và hiện hữu trong các tổ chức. Điều này cũng dẫn đến những yếu tố không chắc chắn trọng yếu về các ước tính trong kế toán và quản lý.



                
   

Những biến động khó lường của thị trường chứng khoán trong giai đoạn Covid-19 ảnh hưởng đến DN
   Ảnh: T. Lê

   

Những ước tính kế toán trong thời dịch Covid-19

Theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế IAS số 540, các ước tính kế toán có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất bao gồm: Suy giảm lợi thế thương mại, tài sản phi tài chính (hàng tồn kho), tài sản tài chính (như các khoản phải thu khách hàng, các khoản đầu tư); các khoản dự phòng phải trả; tỷ lệ hoàn thành hợp đồng xây dựng.

Trong giai đoạn này, việc xác định các giá trị ước tính kế toán càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Hoàn cảnh thị trường thay đổi do ảnh hưởng của Covid-19, một số ước tính kế toán trước đây có thể không còn phù hợp. Khi các khách hàng của DN khó khăn hơn trong tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, dòng tiền của DN và khả năng thu hồi các khoản nợ phải thu của DN có xu hướng bị giảm mạnh.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản mà DN nắm giữ (hàng tồn kho, các khoản đầu tư chứng khoán, đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết…) cũng có xu hướng giảm giá trị trên thị trường khi nhu cầu giảm và nền kinh tế khó khăn hơn. Với hàng tồn kho, hiện nhiều DN đang bị gián đoạn chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các DN bất động sản có thể bị ảnh hưởng bởi giá bất động sản giảm do kinh tế suy giảm.

Với các khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh, thị trường sẽ có sự biến động mạnh khi chứng kiến sự ảnh hưởng của đại dịch, nguy cơ các mã chứng khoán giảm giá trị do tình hình kinh doanh của các DN niêm yết có xu hướng giảm. Còn với các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, nguy cơ suy giảm giá trị và cổ tức được chia cũng luôn hiện hữu trong thời kỳ đại dịch.

Các DN có thể phải thu hẹp về quy mô sản xuất trong thời kỳ dịch bệnh, do đó, những ước tính thời gian sử dụng hữu ích của tài sản cố định làm cơ sở tính khấu hao và dự phòng phải trả về nghĩa vụ bảo hành có thể bị thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế ISA 540 (đã sửa đổi), đoạn 16 (b) có đề cập, mức độ phức tạp của ước tính kế toán có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo những cách khác nhau như:

Các gói hỗ trợ của chính phủ hoặc các luật hoặc quy định đã thay đổi khác đang được giới thiệu có thể dẫn đến những thay đổi đối với việc đo lường kế toán ước tính;

Các thay đổi trong điều khoản hợp đồng liên quan đến ước tính kế toán;

Việc sử dụng một mô hình khác để lập ước tính kế toán vì sự sẵn có của các giả định có thể quan sát được.

Đánh giá các ước tính kế toán - những lưu ý đối với kiểm toán viên

Để đưa ra ý kiến về tính trung thực, hợp lý của các ước tính kế toán, các kiểm toán viên (KTV) cần quan tâm tới các giả định ban lãnh đạo sử dụng khi ước tính kế toán, các phương pháp, dữ liệu sử dụng trong xác định ước tính kế toán và xem xét các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính nhưng trước ngày lập báo cáo kiểm toán.

Với các giải định khi thực hiện các ước tính kế toán, theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế ISA 540 (đã sửa đổi tại đoạn 24), các KTV cần quan tâm đánh giá liệu các giả định quan trọng có phù hợp với bản chất của ước tính kế toán, lĩnh vực kinh doanh, ngành và môi trường hoạt động của đơn vị cũng như các vấn đề về khuôn khổ lập và trình bày các ước tính kế toán trong báo cáo tài chính. Các vấn đề cần xem xét có thể bao gồm:

Giải quyết liệu các giả định quan trọng có phù hợp hay không như dự báo doanh thu và dòng tiền có thể không chắc chắn và quá trình phục hồi không rõ ràng;

Do những vấn đề không chắc chắn vì đại dịch Covid-19 nên phân tích độ nhạy có thể đặc biệt quan trọng để xác định ảnh hưởng của những thay đổi trong các giả định trọng yếu đối với ước tính kế toán hoặc tình hình tài chính của đơn vị;

Liệu các giả định quan trọng có nhất quán với nhau và được sử dụng trong các ước tính kế toán khác.

Với phương pháp thực hiện các ước tính kế toán, theo ISA 540 (Đã sửa đổi đoạn 23), KTV cần quan tâm tới các vấn đề sau:

Liệu phương pháp năm kiểm toán có còn phù hợp khi bản chất của ước tính kế toán, khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính dựa trên sự thay đổi của các giả định, kỹ thuật định giá, các yêu cầu quy định và sự thay đổi về công việc kinh doanh, môi trường mà đơn vị hoạt động. Phương pháp ước tính kế toán năm hiện tại có thay đổi gì so với các phương pháp được sử dụng trước đây;

Việc xét duyệt và kiểm soát cách thức thực hiện phương pháp ước tính kế toán mới của ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán như thế nào?

Khi áp dụng, liệu các điều chỉnh đối với đầu ra của mô hình có nhất quán hay không với mục tiêu đo lường của khuôn khổ về lập, trình bày báo cáo tài chính và thích hợp trong các hoàn cảnh. Với hoàn cảnh hiện tại, ban lãnh đạo có thể cần thực hiện các điều chỉnh khác hoặc nhiều hơn so với những năm trước.

Với dữ liệu sử dụng trong các ước tính kế toán, theo ISA 540 đoạn 25, KTV cần quan tâm các vấn đề:

Dữ liệu sử dụng có phù hợp thể hiện bản chất của các ước tính kế toán, khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính và môi trường kinh doanh mà đơn vị hoạt động. Khi ban quản lý sử dụng các nguồn dữ liệu khác nhau, KTV có thể xem xét mức độ liên quan và độ tin cậy của các nguồn dữ liệu đó. Ước tính kế toán có thể phụ thuộc vào dữ liệu không sẵn có có thể quan sát được hoặc có sẵn do ảnh hưởng của đại dịch;

Bên cạnh đó, dữ liệu đã được hiểu hoặc giải thích một cách thích hợp bởi quá trình quản lý? Đối với các điều khoản pháp lý hoặc hợp đồng phức tạp, KTV có thể xem xét liệu các kỹ năng hoặc kiến thức chuyên ngành có cần thiết để hiểu và diễn giải hợp đồng. KTV cũng có thể kiểm tra hợp đồng cơ bản để xem xét liệu các điều khoản của hợp đồng có phù hợp với giải thích của ban quản lý hay không?

Ngoài ra, việc xem xét các sự kiện phát sinh sau kết thúc năm tài chính (trước ngày lập báo cáo kiểm toán) có thể cung cấp các bằng chứng kiểm toán có liên quan đến việc lập các ước tính kế toán của đơn vị được kiểm toán. Điều này giúp KTV đánh giá việc xác định các ước tính kế toán (như các khoản dự phòng, đánh giá sản phẩm dở dang…) ở cuối năm tài chính trước đã phù hợp chưa hoặc có cần thực hiện điều chỉnh bổ sung các ước tính kế toán ở cuối năm trước hay không. KTV cần soát xét và kiểm tra quá trình lập ước tính kế toán của đơn vị hoặc sử dụng một ước tính độc lập để đánh giá tính hợp lý của các ước tính kế toán.

Việc đánh giá sự suy giảm giá trị tài sản nắm giữ hay các khoản nợ phải trả trong điều kiện thị trường có nhiều biến động với các sự kiện không chắc chắn liên quan đến dịch COVID-19 là một thách thức cần phải xem xét. Các KTV cần duy trì thái độ thận trọng nghề nghiệp và thực hiện các đánh giá khoa học khi tiến hành kiểm toán các ước tính kế toán./.

ThS. TRẦN PHƯƠNG THÙY
- Khoa Kế toán, Kiểm toán, Học viện Ngân hàng

Ước tính kế toán là một giá trị gần đúng của một chỉ tiêu liên quan đến báo cáo tài chính được ước tính trong trường hợp thực tế đã phát sinh nhưng chưa có số liệu chính xác hoặc chưa có phương pháp tính toán chính xác hơn, hoặc một chỉ tiêu thực tế chưa phát sinh nhưng đã được ước tính để lập BCTC.
Biểu hiện cụ thể của các ước tính chỉ tiêu đã phát sinh: dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, trích khấu hao tài sản cố định, chi phí trả trước, giá trị sản phẩm dở dang, doanh thu ghi nhận trước, doanh thu Hợp đồng xây dựng dở dang. Biểu hiện cụ thể của ước tính chỉ tiêu chưa phát sinh là dự phòng chi phí bảo hành, chi phí trích trước…
Tài liệu tham khảo
1. https://www.rsm.global/vietnam/sites/default/files/media/audit news/rsm_vietnam_assurance_updates_08_2020_vn.pdf
2. https://www.ifac.org/knowledge-gateway/supporting-international-standards/discussion/summary-covid-19-audit-considerations
3. https://www.iaasb.org/publications/auditing-accounting-estimates-current-evolving-environment-due-covid-19
Cùng chuyên mục
Những lưu ý khi kiểm toán các ước tính kế toán trong thời đại dịch Covid-19