Những quy định mới cởi mở hơn sẽ góp phần thu hútđầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục của Việt Nam. Ảnh: MINH ANH
Tháo gỡ những bất cập
Dự thảo Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (dự thảo Nghị định) sẽ thay thế Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ban hành năm 2012 vốn đã bộc lộ nhiều bất cập.
Theo Luật Đầu tư, giáo dục là lĩnh vực được khuyến khích đầu tư cao, tuy nhiên một số quy định khác lại cản trở các nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là Nghị định 73/2012/NĐ-CP. Theo TS Ngô Tuyết Mai - Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc tế (Đại học Hà Nội), ngay từ khâu cấp phép thành lập đã rất phức tạp, khi nhà đầu tư nước ngoài phải xin đủ 3 giấy phép: đầu tư, thành lập và hoạt động. Trong đó, đáng ngại nhất là việc xin giấy phép thành lập bởi phải trải qua nhiều quy trình, nhiều bộ phận. Theo quy định mới trong Dự thảo Nghị định, việc giải quyết thủ tục thành lập trường chỉ còn 2 bước với thời gian được rút ngắn. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài không bắt buộc phải đầu tư cơ sở vật chất theo Nghị định 73, thay vào đó có thể thuê lại cơ sở vật chất trong thời hạn tối thiểu 5 năm ổn định…
Ngoài ra, các DN nước ngoài còn gặp khó khăn trong khâu tuyển sinh, khi tỷ lệ học sinh Việt Nam được phép học trong trường có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được tính toán dựa trên số lượng học sinh nước ngoài đăng ký học. Cụ thể, theo Nghị định 73, tỷ lệ học sinh Việt Nam được đăng ký học tại các trường quốc tế là 10% ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, 20% ở bậc phổ thông. Nếu các cơ sở giáo dục FDI không có đủ số lượng học sinh nước ngoài, học sinh Việt Nam cũng không được phép đăng ký học.Những hạn chế này dự kiến sẽ được tháo gỡ, khi dự thảo Nghị định được thông qua với việc các cơ sở giáo dục FDI được tự quyết định tỷ lệ học sinh Việt Nam theo học mà không phụ thuộc vào số lượng học sinh nước ngoài.
Tăng vốn đầu tư để đảm bảo chất lượng đào tạo
Việc thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục không chỉ tạo cơ hội tốt để giáo dục Việt Nam tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến, tận dụng được kinh nghiệm quốc tế để đổi mới và phát triển mà còn tạo ra động lực buộc nền giáo dục trong nước phải có những thay đổi nhất định trong xu thế cạnh tranh để tồn tại. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số lượng dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục còn khiêm tốn cả về số lượng và quy mô, với hơn 3,6 tỷ USD vốn đăng ký, từ khi Việt Nam bắt đầu thu hút FDI đến hết năm 2015. Trong 9 tháng năm 2016, lĩnh vực này cũng chỉ ghi nhận thêm 48 dự án, với số vốn đăng ký cấp mới là 16,88 triệu USD, thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác. Một số dự án đầu tư đáng chú ý nhất đến thời điểm hiện nay là: Đại học Anh Quốc Việt Nam với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD, Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam với tổng vốn khoảng 20 triệu USD (tại Khu đô thị Ecopark, Hưng Yên); Trường Đại học Mỹ - Thái Bình Dương (tại Đà Nẵng) với vốn đầu tư 150 triệu USD…
Theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, để tiếp tục thu hút FDI vào lĩnh vực giáo dục, cần hoàn thiện các văn bản pháp lý về công tác xúc tiến đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng, “mở” hơn. Do đó, sự ra đời của dự thảo Nghị định được đánh giá là bước đón đầu làn sóng đầu tư FDI vào lĩnh vực giáo dục được dự báo sẽ sôi động trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với việc nới lỏng các quy định về đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút các dự án FDI, việc quy định nguồn vốn đầu tư phải đạt mức tối thiểu 1.000 tỷ đồng (đối với cơ sở giáo dục đại học) cũng là một điều kiện mang tính tuyển chọn các dự án có quy mô, đảm bảo chất lượng đào tạo. Lý giải thêm về mức vốn đầu tư này, ông Nguyễn Xuân Vang - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT) cho biết, mức đầu tư này được đưa ra dựa trên khảo sát thực tế để có cơ sở giáo dục đại học ở mức vừa phải, đảm bảo chất lượng.
Ngoài việc quy định các điều kiện cần thiết về nguồn vốn, cơ sở vật chất, giáo viên, dự thảo Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm thanh kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục này, những chế tài xử lý đối với cơ sở vi phạm và đảm bảo quyền lợi cho người học. “Trường hợp chương trình liên kết đào tạo không đảm bảo và bị đình chỉ, trường phải có trách nhiệm bồi hoàn kinh phí cho người học” - ông Vang cho biết.