Tuy nhiên, thực tế là nhiều ngân hàng mà LAUTECH mở tài khoản đã ngừng hoạt động do được tái cơ cấu, sáp nhập hoặc bị phá sản hoàn toàn. Tình trạng trên gây ra nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xác minh, đối chiếu các giao dịch của ban lãnh đạo LAUTECH suốt thời gian qua.
LAUTECH được thành lập cách đây 20 năm, hiện có tổng cộng 35.507 sinh viên, tổng mức học phí bình quân cho một sinh viên từ lúc theo học đến khi tốt nghiệp là khoảng 900.000 NGN (khoảng 2.500 USD), một mức phí mà các gia đình sinh viên thuộc diện nghèo khó có thể đáp ứng được. Điều đó cho thấy, mức thu nhập của trường không hề nhỏ, tuy vậy LAUTECH vẫn chưa thể tự chủ tài chính và hằng năm, LAUTECH vẫn đều đặn nhận được những khoản tài trợ vô cùng lớn từ ngân sách của chính quyền 2 bang chủ quản cũng như Chính phủ liên bang.
Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2016, chính quyền 2 bang Oyo và Osun đã giải ngân tổng số gần 13,7 tỷ NGN tiền viện trợ cho Trường Đại học này; chưa kể nhiều khoản đầu tư, tài trợ khác cho các hoạt động đào tạo, kinh doanh… của trường lên đến hàng triệu NGN. Từ năm 2011 đến 2017, chính quyền bang Oyo nói riêng đã đầu tư 10,2 tỷ NGN cho Đại học LAUTECH; 8,3 tỷ NGN cho Bệnh viện Đào tạo của LAUTECH tại thành phố Ogbomoso và 3,7 tỷ NGN cho Bệnh viện Đào tạo LAUTECH ở thành phố Oshogbo, bang Osun.
Trong khi đó, nhiều trường đại học tại Nigeria có số sinh viên ít hơn của LAUTECH rất nhiều, một số trường mới được thành lập cách đây hơn 10 năm nhưng vẫn có thể tự chủ về tài chính và hoạt động ổn định. Thực trạng này làm dấy lên nghi vấn có thể ban lãnh đạo trường đã và đang thổi phồng các khoản tiền LAUTECH cần được viện trợ suốt thời gian qua.
Hậu quả là, mọi hoạt động của LAUTECH đã bị ảnh hưởng trầm trọng, thậm chí bị đình chỉ và đóng cửa trường học trong nhiều tháng qua. Sinh viên và người dân địa phương đã liên tục tổ chức những cuộc biểu tình lên án ban lãnh đạo trường vô trách nhiệm, tắc trách, gian lận tài chính, đồng thời đòi quyền lợi cho những sinh viên đang theo học tại trường.
Cần kiểm toán toàn diện LAUTECH
Trước tình hình rối ren trên, chính quyền 2 bang chủ quản Osun và Oyo đã quyết định lựa chọn KPMG tiến hành kiểm tra mọi hoạt động của LAUTECH và yêu cầu hoàn thành Báo cáo kiểm toán sớm nhất có thể.
Trước tình trạng ban lãnh đạo trường có nhiều hành vi đi quá quyền hạn của nhà trường như: tự ý mở những khóa đào tạo chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhằm thu lợi kinh tế..., LAUTECH đã bị yêu cầu không chỉ kiểm toán các tài khoản của trường mà cả hồ sơ nhân sự, kế hoạch tuyển dụng lực lượng lao động cũng phải được kiểm tra cẩn thận nhằm xem xét phương pháp điều hành, hoạt động của ban lãnh đạo.
Ngày 25/8, hãng kiểm toán KPMG đã chính thức hoàn thành Báo cáo kiểm toán LAUTECH. Chính quyền 2 bang cam kết sẽ xem xét kỹ lưỡng Báo cáo kiểm toán của KPMG và sớm công bố toàn bộ báo cáo cũng như sẽ tuân thủ các khuyến nghị kiểm toán một cách nghiêm túc nhất nhằm cải thiện tình hình của LAUTECH.
THANH XUYÊN
Theo Dailypost và Ogbomosotoday