Nợ công Tanzania có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới

(BKTO) - KTNN Tanzania (CAG) mới đây đã công bố các bản Báo cáo kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 30/6/2016, trong đó chỉ trích tình trạng thua lỗ và biển thủ hàng tỷ shilling tại các khối cơ quan, DNNN. Đặc biệt, CAG cảnh báo tình trạng nợ công của Tanzania đang leo thang và có thể sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới.




CAG đã đưa ra nhiều khuyến nghị về việc loại bỏ các khoản nợ dài hạn Ảnh: ST

Ngày 13/4, ngay sau khi Báo cáo kiểm toán cho năm tài chính 2016 được trình lên Quốc hội, Tổng Kiểm toán Mussa Assad cho biết, nợ công đã tăng mạnh trong những năm gần đây, dẫn đến sự gia tăng các khoản vay để cấp tài chính cho ngân sách quốc gia và các dự án phát triển cần thiết nhằm cải thiện nền kinh tế. "Nợ chính phủ của Tanzania hiện nay là 41 nghìn tỷ shilling (18,4 tỷ USD) tính tới ngày 30/6/2016. Với mức tăng nợ công hiện tại 20%, thì trong vòng 5 năm tới, khoản nợ sẽ tăng gấp đôi” - Tổng Kiểm toán cảnh báo.

CAG cho rằng, tỷ lệ gia tăng nợ công liên tục có thể dẫn đến gánh nặng nợ không bền vững trong dài hạn, đồng thời kêu gọi Chính phủ thiết lập các biện pháp nhằm làm chậm lại tốc độ gia tăng nợ công. Tổng Kiểm toán đã đề xuất tăng thu ngân sách từ các nguồn trong nước và cải thiện năng lực để thực hiện các nghĩa vụ nợ trong tương lai. "Chính phủ nên tránh các khoản vay lãi suất quá cao và cần nỗ lực đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với mức trung bình trước đây". Bên cạnh đó, CAG cũng cho rằng, Chính phủ cũng nên xem xét trả các khoản nợ tới hạn thay vì liên tục phớt lờ. Theo CAG, nợ nước ngoài tăng 140% từ 12,4 nghìn tỷ shilling trong năm 2012 lên 29,8 nghìn tỷ shilling trong năm 2016. Sự gia tăng mạnh này được giải thích là do việc giảm các khoản vay ưu đãi từ các tổ chức đa phương, quốc tế và các chủ nợ song phương.

Trong khi các tổ chức quốc tế yêu cầu thanh toán 66% cổ phiếu nợ nước ngoài tính đến ngày 30/6/2012, thì con số này đã giảm xuống 56% vào cuối năm tài chính 2016, theo báo cáo của CAG. Tỷ lệ tín dụng song phương cũng giảm từ 22% xuống còn 13% so với cùng kỳ. Tổng Kiểm toán Mussa Assad lưu ý rằng, xu hướng này buộc Chính phủ phải sử dụng các khoản cho vay không phải là ưu đãi, là giải pháp duy nhất hiện có để cấp tài chính cho ngân sách quốc gia.

CAG cũng lo ngại về chi phí dịch vụ nợ cao so với các khoản thu nội bộ của Chính phủ, đồng thời cho biết hơn 3,85 nghìn tỷ shilling đã được sử dụng để thanh toán các khoản nợ, bao gồm trả nợ gốc, lãi và các khoản thanh toán khác. CAG cảnh báo, trong năm nay, với tỷ trọng đáng kể các nguồn lực được dành để giải quyết nợ, Chính phủ sẽ tiếp tục phải dựa vào các khoản vay để cấp tài chính cho ngân sách quốc gia và các dự án phát triển. Sự phụ thuộc này làm tăng các khoản vay không ưu đãi trong nước và nước ngoài, đặc biệt khi không huy động được các khoản thu nội bộ.

Tổng Kiểm toán Mussa Assad kêu gọi Chính phủ cần lập kế hoạch khả thi để loại bỏ các khoản nợ dài hạn hiện tại, đồng thời cần ngừng các khoản vay dài hạn từ ngân hàng trung ương để tuân thủ Luật Ngân hàng nhà nước và Nghị định thư Liên minh tiền tệ Đông Phi.

Được biết, Tanzania là một trong những quốc gia hiện đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ công rất cao. Quốc gia này cũng đã từng trải qua khủng hoảng nợ nặng nề vào những năm 1990. Tazania đã làm nên thành công khi nhận được cứu trợ giãn nợ trong năm 2001 và 2006, giúp giảm khoản nợ phải trả từ 27% doanh thu chính phủ xuống chỉ còn 2%. Song các khoản nợ liên tục gia tăng kể từ năm 2009. Tăng trưởng kinh tế của Tanzania và doanh thu của Chính phủ phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu vàng và quặng kim loại quý. Khi giá vàng và giá kim loại giảm, tăng trưởng không như kỳ vọng có thể làm cho các khoản nợ phải thanh toán ước tính khoảng 10% doanh thu của Chính phủ và sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới.

NGỌC QUỲNH (Nguồn: All Africa và The Citizen)
Cùng chuyên mục
Nợ công Tanzania có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới