Nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn là vấn đề nan giải

(BKTO) - Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN những năm qua của KTNN cho thấy, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) của các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương vẫn là một vấn đề nan giải.




Nợ đọng XDCB gây khó khăn cho các nhà thầu và đơn vị thi công.Ảnh: THANH TÙNG
Tổng hợp số liệu về nợ đọng XDCB không đầy đủ

Báo cáo số 428/BC-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng và Báo cáo số 480/BC-CP ngày 18/11/2013 của Chính phủ về tình hình nợ đọng XDCB nguồn vốn NSNN, trái phiếu chính phủ cho thấy, nợ đọng XDCB đến 31/12/2013 là 57.977 tỷ đồng (tăng 11.401 tỷ đồng so với năm 2012), bằng 33,1% kế hoạch vốn năm 2013.

Về tình hình nợ đọng XDCB năm 2014, Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: số nợ đọng XDCB đến 31/12/2014 là 86.995 tỷ đồng (NSNN 76.208 tỷ đồng, trái phiếu chính phủ 10.774 tỷ đồng, nguồn vốn khác 13 tỷ đồng). Trong đó, năm 2015, các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương đã bố trí thanh toán nợ đọng XDCB 29.895 tỷ đồng (từ nguồn NSNN là 27.078,9 tỷ đồng; các nguồn vốn khác là 5,4 tỷ đồng; trái phiếu chính phủ 2.810,6 tỷ đồng). Số nợ đọng XDCB đến ngày 31/12/2014 chưa bố trí kế hoạch vốn để thanh toán 57.100 tỷ đồng (trong đó từ nguồn NSNN là 49.129,4 tỷ đồng; nguồn vốn khác 7,7 tỷ đồng; trái phiếu chính phủ là 7.963,6 tỷ đồng).

Tuy nhiên, qua kiểm toán quyết toán NSNN niên độ tài chính 2014, KTNN nhận xét: những con số liên quan đến vấn đề bố trí kế hoạch vốn để thanh toán nợ đọng XDCB mà Bộ KH&ĐT đưa ra chỉ là số liệu tổng hợp, chưa có phương án, lộ trình xử lý trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. KTNN còn chỉ ra 39/50 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng XDCB mới trong năm 2014 với tổng số tiền 13.377 tỷ đồng; tỷ lệ nợ đọng XDCB của một số địa phương còn lớn so với tổng chi đầu tư phát triển của địa phương; một số địa phương chưa xây dựng phương án, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ đọng XDCB; một số Bộ, cơ quan T.Ư chưa bố trí nguồn vốn để xử lý nợ đọng.

Tại Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015, KTNN tiếp tục dẫn: theo báo cáo tại Văn bản số 7621/BKHĐT-TH ngày 19/9/2016 của Bộ KH&ĐT, số nợ đọng XDCB vốn ngân sách T.Ư và trái phiếu chính phủ đến 31/12/2014 là 21.416 tỷ đồng, số nợ đọng XDCB vốn ngân sách T.Ư và trái phiếu chính phủ đến hết kế hoạch 2015 chưa bố trí nguồn thanh toán là 14.043 tỷ đồng. Qua thực tế kiểm toán, KTNN đánh giá, Bộ KH&ĐT chưa tổng hợp số nợ đọng nguồn ngân sách địa phương để báo cáo Chính phủ theo quy định tại Mục II Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

KTNN phát hiệnnhiều hạn chế, bất cập

Song song với việc xác nhận số liệu nợ đọng XDCB, cũng như chỉ ra những hạn chế, thiếu sót của Bộ KH&ĐT trong việc tổng hợp số liệu để báo cáo theo quy định, KTNN còn đưa ra nhiều đánh giá, nhận xét đối với các cơ quan T.Ư, địa phương được kiểm toán.

Qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2012, 2013, KTNN nêu rõ, nhiều Bộ, cơ quan TƯ và địa phương có số nợ đọng lên tới trên 1.000 tỷ đồng. Đơn cử, kết thúc niên độ tài chính năm 2012, KTNN đã dẫn Báo cáo của Chính phủ trong đó nêu rõ danh sách 15 Bộ, ngành, địa phương có số nợ đọng XDCB trên 1.000 tỷ đồng (Bộ Giao thông vận tải 1.212 tỷ đồng; tỉnh Ninh Bình 3.954 tỷ đồng; Hà Giang 3.904 tỷ đồng; TP. Đà Nẵng 2.936 tỷ đồng; Thái Bình 2.627 tỷ đồng; Đắk Lắk 2.189 tỷ đồng; Nam Định 2.008 tỷ đồng...).

Năm tiếp theo, cũng dẫn Báo cáo của Chính phủ, KTNN cho biết, số nợ đọng XDCB tính đến 31/12/2013 của Bộ Giao thông vận tải lên tới 3.889 tỷ đồng; tỉnh Hà Giang 5.300 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 4.509 tỷ đồng; Hà Nam 3.811 tỷ đồng; Đà Nẵng 3.191 tỷ đồng; Quảng Ninh 3.103 tỷ đồng; Thái Bình 2.945 tỷ đồng; Phú Thọ 2.446 tỷ đồng; Quảng Nam 2.433 tỷ đồng; TP. Hà Nội 1.328 tỷ đồng…

Qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015, KTNN đã nêu rõ tình trạng phát sinh nợ đọng XDCB mới diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. KTNN cho biết, có tới 30/48 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng XDCB mới với tổng số nợ đọng phát sinh lên tới 7.227 tỷ đồng (trong đó, nợ đọng XDCB mới phát sinh của tỉnh Phú Thọ là 1.589 tỷ đồng; Thái Bình 1.320 tỷ đồng, Bắc Ninh 490 tỷ đồng, Nam Định 467 tỷ đồng, Quảng Ninh 444 tỷ đồng, Bình Định 385 tỷ đồng, Lào Cai 321 tỷ đồng, Hà Nam 208 tỷ đồng, Bạc Liêu 193 tỷ đồng, Hải Dương 157 tỷ đồng, Long An 151 tỷ đồng, Thanh Hóa 151 tỷ đồng, TP. Hải Phòng 150 tỷ đồng, Kiên Giang 132 tỷ đồng...). Đồng thời, nợ đọng XDCB mới phát sinh của các cơ quan T.Ư cũng được KTNN xác nhận là 107 tỷ đồng (phát sinh tại 14 dự án của Bộ Tài chính và 2 dự án của Bộ Xây dựng).

Bên cạnh đó, KTNN nhấn mạnh, tỷ lệ nợ đọng XDCB đến hết 31/12/2015 so với tổng chi đầu tư phát triển năm 2015 của một số địa phương còn lớn, đáng chú ý tỷ lệ này tại tỉnh Hà Nam là 786% (6.359 tỷ đồng/808 tỷ đồng); Ninh Bình 232% (5.570 tỷ đồng/2.397 tỷ đồng); Bạc Liêu 152% (467 tỷ đồng/306 tỷ đồng); TP. Hải Phòng 118% (3.198 tỷ đồng/2.703 tỷ đồng); Hải Dương 101% (1.926 tỷ đồng/1.901 tỷ đồng); Thái Bình 88,9% (3.561 tỷ đồng/4.005 tỷ đồng); Nam Định 81% (2.165 tỷ đồng/2.662 tỷ đồng)...

KTNN cũng thẳng thắn chỉ ra một số địa phương (TP. Hải Phòng, tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bến Tre) chưa xây dựng phương án, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ đọng XDCB theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015, KTNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính xác định rõ nợ đọng XDCB để kiểm soát chặt chẽ, xác định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương không báo cáo đúng đắn, trung thực số liệu nợ đọng XDCB.
QUỲNH ANH
Theo Tuần Báo ra ngày 07-9-2017
Cùng chuyên mục
  • PVN và SCG thúc đẩy tiến độ  Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 17/8, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Siam Cement (SCG) đã ký Thỏa thuận hợp tác về việc thúc đẩy tiến độ Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam.
  • Thị trường bất động sản cuối năm:  Cơ hội cho những người mua nhà ở
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Những tháng cuối năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) được dự báo sẽ tiếp tục là một kênh đầu tư hấp dẫn. Nhiều chính sách được thực hiện đồng bộ sẽ giúp cho thị trường BĐS ổn định và phát triển.
  • Điều chỉnh giá bán lẻ điện: Trao quyền nhiều hơn cho DN nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Kể từ ngày 15/8/2017, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân chính thức có hiệu lực thi hành, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg.
  • Tìm biện pháp nâng cao giá trị kinh tế từ rừng tự nhiên
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Rừng tự nhiên vẫn được coi là nền tảng ổn định xã hội, phát triển kinh tế của tất cả các ngành trong nước. Bởi vậy, tìm biện pháp để gia tăng các lợi ích kinh tế từ rừng tự nhiên, góp phần đảm bảo lợi ích và cuộc sống của người dân đóng vai trò hết sức quan trọng.
  • Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thuế
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Đã và đang có những tín hiệu cho thấy công tác cải cách thủ tục hành chính thuế trong năm 2017 tiếp tục được cải thiện. Minh chứng là nhiều dịch vụ công điện tử được các DN và cơ quan Thuế phối hợp thực hiện như: khai nộp thuế, hoàn Thuế Giá trị gia tăng, sử dụng hóa đơn điện tử…
Nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn là vấn đề nan giải