Xác định rõ chi phí sản xuất kinh doanh điện
Ông Trần Tuệ Quang- Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) nêu rõ, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 291.278,46 tỷ đồng, bao gồm tất cả các khoản thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện.
Ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện. Ảnh: L.QUYÊN |
Về chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017, Cục Điều tiết Điện lực thống kê cụ thể như sau:
Với doanh thu bán điện năm 2017 là 289.954,78 tỷ đồng (sản lượng điện thương phẩm là 174,65 tỷ kWh)- tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.660,19 đ/kWh - đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết.
05 nguyên nhân chủ yếu khiến giá điện tăng
Theo Bộ Công Thương, chỉ có 01 nguyên nhân làm giảm chi phí sản xuất kinh doanh điện, đó là tình hình thủy văn năm 2017 thuận lợi hơn, nhưng có tới 05 nguyên nhân tác động làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017. Thứ nhất, giá than năm 2017 tăng bình quân khoảng 5,7% so với năm 2016 và do giá dầu DO, FO bình quân năm 2017 tăng lần lượt 21,95% và 32,84% so với năm 2016. Thứ hai, giá dầu HSFO thế giới năm 2017 tăng 39,2% so với năm 2016 dẫn đến giá khí thị trường tăng cao. Thứ ba, thuế suất tài nguyên nước tăng áp dụng cho cả năm 2017 so với 2016 chỉ áp dụng thuế suất mới trong 6 tháng. Thứ tư, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bắt đầu áp dụng từ ngày 01/9/2017. Thứ năm, tỷ giá đồng đô la Mỹ (USD) năm 2017 tăng so với năm 2016. Tỷ giá đô la Mỹ bình quân năm 2017 là 22.749 đồng/USD tăng 250 đồng/USD so với tỷ giá đô la Mỹ bình quân năm 2016 (22.399 đồng/USD), tương ứng với tỷ lệ tăng 1,56%.
Bộ Công Thương cho biết, các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 gồm: Số dư chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia là 1.940,29 tỷ đồng; Khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2017 khoảng 3.071,14 tỷ đồng. Ngoài ra còn có các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện các năm trước cũng chưa được tính vào giá điện.
Quang cảnh họp báo công bố chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017. Ảnh: L.QUYÊN |
Nỗ lực bảo đảm cung ứng điện năm 2019
Trao đổi về phương án cấp điện cho năm 2019, ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực nhấn mạnh, hiện nay tốc độ tăng trưởng phụ tải tăng cao, tới 10,64%. Việc huy động sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Nam thiếu hụt so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước do lượng nước và lưu lượng nước về hồ thủy điện tại các khu vực này thấp. Bên cạnh đó, việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Bộ Công Thương đã xây dựng 4 phương án cung cấp điện năm 2019 trên cơ sở tốc độ tăng trưởng phụ tải và tần suất nước về các hồ thủy điện.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực chia sẻ về phương án đảm bảo cung ứng điện năm 2019. Ảnh: L.QUYÊN |
Với các phương án này, Cục Điều tiết Điện lực khẳng định sẽ bảo đảm việc cung ứng điện trong năm 2019.
“Cân đối công suất 2019-2020 sẽ bảo đảm đủ điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước”- ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc phụ trách của EVN cũng cho biết.
Tuy nhiên, đại diện của EVN khuyến nghị, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tiết kiện điện, có giải pháp phù hợp với các doanh nghiệp trong việc điều hành lịch sản xuất nhằm san tải và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. EVN cũng kiến nghị thực hiện các giải pháp huy động, đấu nối hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần bảo đảm việc cung ứng điện trong năm 2019 và những năm tới.
Đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 gồm đại diện: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Đoàn kiểm tra đã kiểm tra thực tế tại Công ty mẹ - EVN và một số đơn vị thành viên của EVN. |