Nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau

(BKTO) - Nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000 km đường cao tốc, Bộ Xây dựng, các địa phương và doanh nghiệp đang triển khai thi công 28 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 1.188 km. Đến nay, tiến độ đa số các dự án bám sát kế hoạch, nhiều dự án đăng ký hoàn thành thông tuyến trong năm 2025.

b(1).jpg
Đúng với tinh thần “không để nhà thầu cô đơn trên công trường”, Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn những ngày đầu năm mới, khích lệ người lao động nỗ lực thi công.

Đầu tư bổ sung nhân lực, thiết bị để tăng tốc

Nhiều chuyển biến tích cực trên công trường các dự án giao thông trọng điểm để hiện thực hóa “mệnh lệnh trái tim” thông tuyến từ Cao Bằng đến Cà Mau trong năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với sự nỗ lực vào cuộc của các nhà thầu, các cơ quan, địa phương cần vào cuộc quyết liệt để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, sớm đưa các dự án trọng điểm về đích.

Các dự án cao tốc liên vùng mang tính trọng điểm cũng nhận được sự quan tâm của Chính phủ, trong đó có tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng). Tuyến đường này nhiều lần được Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tại công trường và căn dặn mục tiêu thông tuyến trong năm 2025 vì “mệnh lệnh trái tim”, tri ân các đồng bào dân tộc tại Cao Bằng và Lạng Sơn, cũng như chào mừng nhiều sự kiện lớn của đất nước trong thời gian tới.

Ý thức được tầm quan trọng của dự án, sau lễ khởi công, các địa phương đã tổ chức các phong trào thi đua 100 ngày giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo điều kiện tối đa cho các nhà thầu tiếp cận công địa.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh hướng tuyến một số vị trí cục bộ dẫn đến phát sinh GPMB bổ sung, khiến mặt bằng thực tế mà các nhà thầu tiếp cận được đến nay đạt khoảng 88% chiều dài tuyến.

a..jpg
Cùng với nỗ lực bàn giao toàn bộ mặt bằng của địa phương trong Quý I/2025, các nhà thầu dồn mọi nguồn lực để thúc đẩy sản lượng, quyết tâm thông tuyến trong năm nay.

Cụ thể, nhà đầu tư đã tạm ứng 50 tỷ đồng chi phí đền bù đất cho các hộ dân để sớm có mặt bằng sạch triển khai thi công. Bên cạnh đó, DNDA và nhà thầu đã sát cánh cùng chính quyền địa phương, hỗ trợ người dân di dời, san gạt nền, kiểm soát tiến độ thi công theo từng phân đoạn.

Nhà đầu tư dự án đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 2.300 tỷ đồng với VPBank, đồng thời áp dụng các giải pháp công nghệ như mô hình thông tin công trình, hệ thống cảm biến để theo dõi, giám sát hiệu suất hoạt động thiết bị trên công trường.

Thực hiện chỉ đạo của Đoàn công tác số 05 của Chính phủ, DNDA đã yêu cầu các nhà thầu huy động bổ sung thêm 300 nhân sự, 120 thiết bị, nâng tổng số lao động trên toàn dự án lên hơn 2.000 người và 985 máy móc thiết bị, triển khai thi công trên 71 mũi.

Ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Ban Điều hành Tổng thầu thi công dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh, cho biết để gia tăng sản lượng, DNDA và Tổng thầu đã làm việc cụ thể với từng nhà thầu và ký cam kết tiến độ thi công theo ngày, theo tuần, quy định rõ số lượng máy móc, nhân sự và sản lượng cho từng mũi, giao ban hàng tuần kiểm soát tiến độ bám sát kế hoạch đề ra.

Đồng thời, để tăng cường “sức đề kháng” cho các nhà thầu trong bối cảnh “chạy đua với thời gian”, DNDA đã hỗ trợ tạm ứng khoảng 60 tỷ đồng nhằm bổ sung máy móc và nhân công.

Có những nhà thầu dù đã đủ năng lực nhưng vẫn thuê thêm thiết bị để tăng tốc thi công”, ông Phạm Duy Hiếu cho biết.

b...jpg
Các nhà thầu dù đủ năng lực nhưng vẫn đầu tư thêm máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ

Những chuyển động rốt ráo từ các nhà đầu tư, nhà thầu để tăng tốc thực hiện dự án cũng ghi nhận ở một số dự án trọng điểm khác, đơn cử như tại cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, dự án thành phần có quy mô và tổng mức đầu tư lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2.

Tuyến đường dài 88 km đi qua hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định này hiện đạt sản lượng thi công khoảng 7.800 tỷ đồng (hơn 60% tổng giá trị hợp đồng). Để đảm bảo hoàn thành vào cuối năm 2025, Ban Điều hành dự án đã thiết lập lộ trình tiến độ cụ thể cho từng hạng mục.

a(1).jpg
Dự kiến cuối năm 2025, dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn sẽ thông toàn tuyến, rút ngắn tiến độ 7 tháng so với hợp đồng xây dựng

Nhằm bù đắp tiến độ bị ảnh hưởng do mùa mưa kéo dài, nhà thầu đã đồng loạt triển khai nhiều mũi thi công như thi công nền, cấp phối đá dăm, bê tông nhựa... đồng thời tổ chức thi công "gối đầu" cả ngày lẫn đêm để đảm bảo tiến độ tổng thể. Đặc biệt, các đơn vị đã chủ động tập kết sẵn nguồn đá tại hiện trường, đảm bảo nguồn vật liệu được cung ứng liên tục, không gián đoạn.

Bên cạnh vướng mắc về mặt bằng, đại diện Ban Điều hành dự án cho biết quá trình triển khai đã bộc lộ thực trạng một số nhà thầu phụ thi công chưa đáp ứng tiến độ. Để khắc phục, tổng thầu đã huy động thêm nhân lực, thiết bị và tăng số mũi thi công. Đồng thời, khối lượng công việc được rà soát, điều chỉnh linh hoạt, cắt giảm phần việc của các đơn vị không đảm bảo, tạo điều kiện cho các nhà thầu có năng lực hơn tham gia thực hiện.

Đồng lòng mục tiêu thông tuyến từ Cao Bằng đến Cà Mau

Không chỉ có sự nỗ lực từ các nhà thầu và doanh nghiệp, Chính phủ và các bộ ngành cũng đang cho thấy những hành động quyết liệt để “lên dây cót” tinh thần cho các địa phương và nhà thầu.

Ngay từ mùng 4 Tết Ất Tỵ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng đoàn công tác Chính phủ "xông đất" Bình Dương để phát lệnh khởi công cao tốc đầu tiên nối TP HCM với Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên. Tiếp đó, người đứng đầu Chính phủ đến kiểm tra thực địa công trường Đồng Đăng - Trà Lĩnh, trước khi tới thị sát tình hình triển khai tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

e.jpg
Nhà thầu đang tăng tốc thi công ngày đêm, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa kéo dài

Những ngày đầu tháng 3 vừa qua, 7 đoàn kiểm tra do các Phó Thủ tướng dẫn đầu đã có mặt tại hiện trường, kiểm soát chặt chẽ tiến độ của các dự án cao tốc, từ đó tháo gỡ kịp thời những nút thắt còn tồn đọng.

Những chuyến kiểm tra trực tiếp của lãnh đạo Chính phủ cùng các chỉ đạo gỡ vướng được đưa ra đã tạo đà thúc đẩy nhiều tuyến cao tốc có bước tiến như cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, tuyến Tuyên Quang – Hà Giang qua Hà Giang, tuyến Hữu Nghị – Chi Lăng.

Cùng với sự giám sát sát sao, cơ chế tài chính và thủ tục hành chính cũng được điều chỉnh với tinh thần “rủi ro chia sẻ” để đảm bảo các dự án không bị chậm tiến độ vì thiếu vốn.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc nâng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước từ 50% lên 70% đối với dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Tại cuộc họp về kết quả đôn đốc triển khai kế hoạch hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025, người đứng đầu Chính phủ ghi nhận tuyến đường cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau đã hiện rõ hình hài.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh các bên không được chủ quan: “Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó”.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu 3.000 km cao tốc trong năm nay, nhiều ý kiến cụ thể đối với việc tháo gỡ các vướng mắc cũng được các nhà thầu nêu ra.

Trong đó, kiến nghị chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc còn tồn đọng, tạo điều kiện cho nhà thầu triển khai thi công thuận lợi.

Các cơ quan có thẩm quyền nỗ lực bố trí đầy đủ nguồn vốn để dự án không bị gián đoạn, đảm bảo dòng tiền phục vụ thi công đúng kế hoạch. Cũng rất cần chính quyền các tỉnh nơi dự án đi qua cần tích cực hỗ trợ trong việc cấp phép, cung ứng đủ các mỏ vật liệu, bãi đổ thải; nâng công suất khai thác mỏ vật liệu đá, đảm bảo nguồn cung ổn định. Ngoài ra, cần sự phối hợp tăng cường kiểm soát an ninh trật tự tại các khu vực dự án để tránh ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Hiện chỉ còn hơn 8 tháng để hiện thực hóa mục tiêu đạt 3.000 km cao tốc cuối năm 2025. Trong giai đoạn nước rút này, chính sự quyết tâm cao độ và tinh thần đồng lòng của tất cả các bên là yếu tố tiên quyết để hoàn thành “mệnh lệnh trái tim” mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra.

Cùng chuyên mục
  • Quý I năm 2025 các chỉ tiêu của TKV cơ bản đạt và vượt mục tiêu kế hoạch
    3 ngày trước Doanh nghiệp
    Quý I năm 2025, với các giải pháp đồng bộ, linh hoạt và quyết liệt, các chỉ tiêu chính của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV)các công ty thuộc Tập đoàn cơ bản đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đã đề ra, cung cấp than cho sản xuất điện đảm bảo tiến độ, đảm bảo an toàn hệ thống điện cho phát điện các tháng mùa khô.
  • Xuất khẩu rau quả: Doanh nghiệp cần bình tĩnh ứng phó trước "bão" thuế quan
    4 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tính chung 3 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu hàng rau quả đạt hơn 1,1 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành mức thuế đối ứng toàn cầu, trong đó đối với Việt Nam là 46% - thuộc top cao thế giới được dự báo sẽ gây áp lực lớn với xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - đã có trao đổi nhanh với Báo Kiểm toán về vấn đề này.
  • EVNHANOI lên phương án ứng phó kịp thời mùa mưa bão
    4 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) đảm bảo an toàn cung cấp điện phục vụ Thủ đô.
  • BIM Group vinh dự nhận được nhiều giải thưởng
    6 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Bước vào hành trình phát triển mới, song hành cùng kỷ nguyên vươn mình của đất nước, BIM Group đặt mục tiêu kiến tạo những sản phẩm, dịch vụ mang tính cạnh tranh mạnh mẽ với quốc tế, nâng tầm giá trị sống cho cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước và khẳng định vai trò là một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội.
  • Xuất khẩu gỗ Việt: Đối mặt thuế quan, chuẩn bị cho tương lai bền vững
    6 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu đồ gỗ và nội thất, Việt Nam đang đối mặt với không ít thử thách lớn từ thị trường quốc tế. Đặc biệt, khi Mỹ - nơi tiêu thụ hơn 50% sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam - cảnh báo áp thuế nhập khẩu cao, ngành gỗ đứng trước ngã rẽ đầy cơ hội và rủi ro.
Nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau