Nỗ lực hướng đến giải quyết thách thức trong lĩnh vực môi trường

(BKTO) - Thời gian qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có những đóng góp tích cực cho công tác quản lý lĩnh vực môi trường, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

dsc_5262-1600x1200-.jpg
KTNN ngày càng chú trọng kiểm toán môi trường, qua đó góp phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường. Ảnh: N.Lộc

Những thách thức trong bảo vệ môi trường qua góc nhìn kiểm toán

Thời gian qua, KTNN đã và đang nỗ lực thực hiện các cuộc kiểm toán liên quan đến vấn đề môi trường. Qua kết quả kiểm toán các chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ môi trường năm 2022, KTNN chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, nhất là tại các khu vực luôn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường như làng nghề, khu công nghiệp.

Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra tình trạng ban hành văn bản liên quan đến hoạt động quản lý môi trường chưa đầy đủ, kịp thời và phù hợp. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch về vấn đề môi trường chưa đảm bảo về hệ thống công trình hạ tầng bảo vệ môi trường.

Đơn cử như tại tỉnh Quảng Ninh không bố trí diện tích quy hoạch trạm xử lý nước thải tập trung, mặt bằng tập kết rác thải trong một số cụm công nghiệp. Tại TP. Hà Nội, 05/05 khu công nghiệp được kiểm toán chưa đảm bảo tỷ lệ diện tích cây xanh tối thiểu trong phạm vi khu công nghiệp khi lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp theo quy định. Một số dự án về môi trường không hiệu quả hoặc không đạt yêu cầu về quy chuẩn đối với nước thải sau xử lý…

dsc_0896.jpg
Những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý khiến tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng. Ảnh: N.Lộc

Bên cạnh đó, KTNN còn chỉ ra thực trạng nhiều cơ sở vi phạm quy định về bảo vệ môi trường nhưng chưa được giám sát, thanh kiểm tra kịp thời để phát hiện, khắc phục. Điển hình như nhiều cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động nhưng không có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc chưa thực hiện đầy đủ nội dung về bảo vệ môi trường theo ĐTM được duyệt; không đảm bảo đầy đủ hạ tầng bảo vệ môi trường; không có hoặc chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung, xả nước thải vào công trình thủy lợi không có giấy phép.

Nhiều nơi chưa xây dựng điểm tập kết chất thải rắn (CTR) hợp vệ sinh, không thu gom, phân loại CTR, không kí hợp đồng xử lý CTR công nghiệp, chất thải nguy hại theo quy định một số dự án về môi trường không hiệu quả hoặc không đạt yêu cầu về quy chuẩn đối với nước thải sau xử lý.

Qua kiểm toán cũng cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoạt động trong các khu công nghiệp chưa chấp hành đầy đủ các quy định về hồ sơ, giấy phép môi trường và các quy định về quản lý, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn và khí thải theo các quy chuẩn, quy hoạch, hồ sơ, giấy phép môi trường được duyệt...

Hướng tới thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, từ đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các ngành chức năng, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Trong đó, việc nghiêm túc chấn chỉnh, thực hiện theo kiến nghị kiểm toán chính là yêu cầu quan trọng để hướng đến mục tiêu này.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Mục 5 về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ, phải xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, hiện nay, Bộ TN&MT đang phối hợp với các cơ quan quản lý xây dựng dữ liệu về tài nguyên, môi trường quốc gia và tại các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho việc truy cập trực tiếp hoặc trích xuất dữ liệu.

Cơ sở dữ liệu này cũng được bổ sung thêm thiết bị quan trắc để phát hiện thêm các nguồn tài nguyên mới ở biển. Đây là bước để Việt Nam cùng các nước chuyển dần từ kiểm soát đầu vào sang kiểm soát đầu ra, từ đó giảm chi phí kiểm tra, kiểm toán, đảm bảo hài hòa giữa chi phí bỏ ra và lợi ích kinh tế mang lại. Ngoài ra, “Việt Nam đang hướng tới đa dạng sinh học, phát triển thị trường carbon. Dự kiến đến năm 2027, nước ta sẽ có thị trường carbon.” - ông Thọ cho biết.

Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cũng cho rằng, để tạo sự chuyển biến trong bảo vệ môi trường, trước hết, chính các cơ quan quản lý nhà nước phải nêu cao trách nhiệm trong công tác quản lý, đảm bảo hiệu quả của công tác này được đo lường cụ thể. 

Tiếp đó, dựa trên những kiến nghị của KTNN, của giới khoa học, các cơ quan thực thi pháp luật cần thực thi nghiêm túc, đảm bảo thiết lập trật tự, kỷ cương trong quản lý, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức của các chủ thể có liên quan trong công tác này. 

Từ góc độ địa phương, ông Lê Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Thuận cho rằng, quản lý môi trường là lĩnh vực khó. Đối với kiểm toán lĩnh vực này cũng đang đặt ra nhiều thách thức để nâng cao hiệu quả kiểm toán, tăng phát hiện qua kiểm toán.

Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường, trước hết, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước để đảm bảo kế hoạch thực hiện hiệu quả. Điều này giúp các địa phương tổ chức thực hiện tốt, đồng thời là cơ sở để KTNN thực hiện kiểm toán, qua đó thúc đẩy địa phương phát triển và hạn chế sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đảm bảo sự chặt chẽ, đồng bộ; không tách rời vai trò của các cơ quan giám sát, đặc biệt là KTNN trong việc thực thi các nhiệm vụ tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là sự tham gia của KTNN vào quá trình tổ chức, triển khai các dự án liên quan đến môi trường./.

Cùng chuyên mục
Nỗ lực hướng đến giải quyết thách thức trong lĩnh vực môi trường