Ngày 23/7, tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Nợ xấu là vấn đề đáng quan tâm. “Chúng tôi đang coi đây là vấn đề lớn bởi nó là hệ quả của cả quá trình” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Theo ông Đào Minh Tú, có những khoản vay ngắn hạn, chỉ cần một vài tháng sau là ngân hàng có thể đánh giá được chất lượng như thế nào. Nhưng sau 2 năm có dịch Covid-19 và những khó khăn của năm 2023, có những khoản rất khó đánh giá.
“Nợ xấu là câu chuyện của cả nền kinh tế chứ không phải do yếu kém của ngành ngân hàng. Tất nhiên có những khoản, khi cho vay, ngân hàng chưa đánh giá được đúng thực trạng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, đồng thời thông tin: Hiện nay, nợ xấu đang có xu hướng tăng, con số khá cao, nợ nội bảng gần 5%. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn có khả năng trở thành nợ xấu, nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nợ chưa thu hồi được thì tất cả các khoản đó ở vào khoảng 6,9%.
Xử lý nợ xấu là trách nhiệm chung của cả ngân hàng và doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp là đối tượng vay cũng phải có trách nhiệm trả nợ vì tiền đó là tiền của người dân. “Chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý tích cực hơn, chú trọng chất lượng tín dụng cũng như việc trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và nợ xấu trong tầm kiểm soát” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Liên quan đến kế hoạch xử lý nợ xấu, Phó Chánh thanh tra cơ quan thanh tra giám sát, NHNN – ông Nguyễn Đức Long – cho biết: Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2021-2025 có mục tiêu đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức 3% đến cuối năm 2025. Tỷ lệ nợ xấu này không chỉ có nợ xấu nội bảng mà bao gồm cả nợ đã cơ cấu lại nợ, các nợ tiềm ẩn…
Để triển khai việc xử lý nợ xấu này, các TCTD đang triển khai Đề án cơ cấu lại đã được phê duyệt. Đồng thời, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cũng theo dõi, giám sát tiến trình triển khai Đề án này của các TCTD, trong đó có biện pháp xử lý nợ xấu để đảm bảo nợ xấu đến cuối năm 2025 ở mức dưới 3%.
Thời gian qua, trước tình hình nợ xấu gia tăng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã tham mưu cho lãnh đạo NHNN ban hành Văn bản, trong đó chỉ đạo TCTD thực hiện các biện pháp, đặc biệt là các biện pháp liên quan đến việc tổ chức triển khai các gói tín dụng, thẩm định hồ sơ tín dụng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp tín dụng; theo dõi việc sử dụng vốn vay theo cam kết; theo dõi và xử lý các khoản nợ xấu phát sinh và yêu cầu các Tổng Giám đốc cũng như Chủ tịch Hội đồng quản trị của các TCTD thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, trong Văn bản, NHNN yêu cầu các đơn vị đầu mối có tỷ lệ nợ xấu cao duy trì các hoạt động xử lý nợ xấu, quy trách nhiệm cá nhân trong quá trình xử lý nợ xấu.
“Thời gian tới, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục theo dõi việc xử lý nợ xấu của các TCTD để có biện pháp tham mưu cho lãnh đạo NHNN chỉ đạo việc kiểm soát nợ xấu theo mục tiêu đề ra” - Ông Nguyễn Đức Long cho biết./.