Luôn quán triệt 2 mục tiêu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ

(BKTO) - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, NHNN luôn quán triệt 2 mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và tập trung nguồn lực hỗ trợ tăng trưởng.

quang-canh-hop-bao.jpg
Toàn cảnh Họp báo. Ảnh: NHNN

Sáng 23/7, NHNN tổ chức Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Sử dụng linh hoạt, kịp thời các công cụ chính sách

Tại Họp báo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: 6 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, NHNN tiếp tục điều hành CSTT theo kinh nghiệm của những năm trước, đặc biệt luôn quán triệt 2 mục tiêu quan trọng, đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và tập trung nguồn lực hỗ trợ tăng trưởng.

Ngoài việc đảm bảo hai mục tiêu này, công tác điều hành CSTT còn góp phần hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay.

Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền. Thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

dao-minh-tu.jpg
Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin về kết quả điều hành CSTT 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: NHNN

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thẳng thắn thừa nhận, tỷ giá là vấn đề phức tạp trong quá trình điều hành. Đến nay, mức mất giá của Việt Nam đồng trong khoảng 4,4%. Mức mất giá này cũng hợp lý trong bối cảnh đồng tiền của nhiều nước mất giá tới 7%, 11%.

Giải quyết đồng bộ giữa chính sách tỷ giá, lãi suất, đảm bảo kiểm soát lạm phát, đảm bảo trạng thái ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ nền kinh tế là vấn đề đặt ra trong điều hành CSTT của NHNN. 6 tháng đầu năm, nhập khẩu lớn, lên tới 178 tỷ USD, cần lượng ngoại tệ lớn. NHNN đã bán ngoại tệ vào trung tuần tháng 4 đảm bảo nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu, ổn định tâm lý nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú 

Ngoài ra, NHNN đã sử dụng linh hoạt, kịp thời các công cụ điều hành như tái cấp vốn, cho vay trên thị trường mở, lãi suất thị trường liên ngân hàng... Nhiều thời điểm, NHNN hút tiền đồng từ nền kinh tế về thông qua phát hành trái phiếu trên thị trường mở để giữ ổn định tỷ giá.

Tín dụng tăng 6%, bước đầu kiểm soát giá vàng

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt. Hai tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm, từ tháng 3 và đặc biệt là tháng 5, tháng 6, tín dụng tăng trưởng tích cực. Các giải pháp chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện của NHNN và các ngân hàng thương mại đều hướng đến đảm bảo mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Với các giải pháp đồng bộ của ngành ngân hàng, đến nay, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, các TCTD tích cực triển khai Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thị trường vàng trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng là vấn đề rất nóng. Giá vàng SJC tăng cao. NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thấu nhưng các phiên đấu thầu chưa hiệu quả, chưa có tác dụng kiểm soát thị trường. Vì thế, NHNN đã chuyển đổi bán vàng trực tiếp thông qua các ngân hàng thương mại, bước đầu kiểm soát được giá vàng SJC.

Với các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan, đến nay, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi đã giảm đáng kể. Giá bán vàng miếng SJC trên thị trường trong nước đã giảm mạnh. Mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.

Ngoài ra, Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2021-2026 được ngành ngân hàng triển khai tích cực, đảm bảo mục tiêu kiểm soát, an toàn hệ thống, tạo điều kiện cho các ngân hàng phát triển.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và hoạt động ngân hàng số cũng như việc ứng dụng công nghệ mới tiếp tục được thúc đẩy, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Sau khi Luật các TCTD được thông qua vào tháng 01/2024, suốt hơn 6 tháng qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã chủ trì xây dựng nhiều thông tư, nghị định, tạo hành lang pháp lý hết sức thuận lợi cho hoạt động ngân hàng, đảm bảo cơ chế xử lý những phát sinh đột xuất trong quá trình hoạt động ngân hàng, phù hợp với thực tiễn hiện nay, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tranh thủ điều kiện thuận lợi, sẵn sàng ứng phó với thách thức

Về định hướng điều hành CSTT 6 tháng cuối năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tranh thủ các điều kiện thuận lợi, tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, nhận diện rõ thách thức, đặc biệt là thách thức kiểm soát lạm phát để điều hành linh hoạt, phù hợp các công cụ chính sách.

Mục tiêu của điều hành CSTT là tiếp tục đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền.

Về lãi suất, NHNN sẽ điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, mang lại giá trị hữu ích cho nền kinh tế.

Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tránh tâm lý găm giữ, đầu cơ.

Tín dụng ngân hàng sẽ tập trung cho lĩnh vực ưu tiên. Gói 120 nghìn tỷ đồng có thể sẽ được nâng lên 140 nghìn tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là phải có nghị quyết, nâng điều kiện ưu đãi hơn cho người mua nhà, còn đối với doanh nghiệp xây dựng triển khai nhà ở xã hội thì vẫn thực hiện theo cơ chế của gói 120 nghìn tỷ đồng.

Ngành ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng cho vay lâm sản, thủy sản, chính sách cho vay liên kết, hệ thống, chuỗi giá trị tạo thuận lợi cho việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa.

NHNN tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, giảm thủ tục hành chính, tăng tiện ích cho người dân, đảm bảo dịch vụ tốt hơn nhưng phải an toàn.

Cơ quan thanh tra, giám sát NHNN đã phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, tích trữ vàng.

Đối với quản lý thị trường vàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định đây là vấn đề khó. NHNN cùng các bộ, ngành chức năng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, có chính sách quản lý thị trường vàng phù hợp trong thời gian tới. Theo đó, những gì Nhà nước cần quản lý thì quản lý, những gì để cho thị trường điều tiết thì để cho thị trường./.

Cùng chuyên mục
Luôn quán triệt 2 mục tiêu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ