Nợ xấu tăng mạnh…
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 6/2024, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tăng mạnh, ở mức gần 5%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn có khả năng trở thành nợ xấu, nợ nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), nợ chưa thu hồi được thì nợ xấu ở vào khoảng 6,9%.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính, xét về số tuyệt đối, nợ xấu nội bảng tăng thêm 75.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Đáng lưu ý, nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 06/2024/TT-NHNN và Thông tư số 02/2023/TT-NHNN tăng khá mạnh, với tổng giá trị nợ gốc và lãi tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023, lên 230.400 tỷ đồng. Số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt vào cuối tháng 6/2024.
Nợ xấu của hệ thống TCTD ở mức cao và tiếp tục tăng tại nhiều ngân hàng. Báo cáo tài chính quý II/2024 của 29 ngân hàng cho thấy, đến cuối tháng 6/2024, số dư nợ xấu của 29 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Agribank, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bảo Việt - BaoViet Bank) tiếp tục tăng so với quý I/2024 và cuối năm 2023.
6 tháng đầu năm 2024, có hai ngân hàng ghi nhận số dư nợ xấu giảm là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank). Trong đó, số dư nợ xấu của SHB giảm 362 tỷ đồng, tương đương 2,7% so với đầu năm, xuống còn 12.877 tỷ đồng. Nợ xấu của PG Bank giảm 50 tỷ đồng, tương đương 5% so với đầu năm, xuống còn 958 tỷ đồng.
Có tới 27/29 ngân hàng ghi nhận số dư nợ xấu tăng lên. Số dư nợ xấu tuyệt đối của các ngân hàng này tăng 20,8% so với cuối năm ngoái. Tại nhiều ngân hàng, nợ xấu tuyệt đối tăng 30-50%. Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng có tổng nợ xấu đến cuối quý II/2024 là 31.712 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm 2023 và cao nhất hệ thống; nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn tại Ngân hàng này đều tăng lên.
Đáng lưu ý, tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng giảm từ mức gần 99% cuối năm ngoái xuống còn gần 85%, dù các ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro. 23/29 ngân hàng giảm tỷ lệ bao nợ xấu. Toàn hệ thống chỉ còn 6 ngân hàng có quỹ dự phòng rủi ro đủ sức bao phủ trên 100% nợ xấu, trong khi đó, hơn 10 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ dưới 50%.
…nhưng công tác thu hồi, xử lý nợ vẫn rất gian nan
“Nợ xấu tăng nhưng công tác thu hồi nợ, xử lý nợ của ngân hàng đang gặp nhiều trắc trở” - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xử lý nợ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), thành viên Hội đồng thành viên VAMC cho biết.
Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN), nửa đầu năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 167.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 45,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, gần một nửa trong số đó là do các TCTD tự xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Việc thu giữ tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn.
Nhiều ngân hàng không khỏi băn khoăn, trăn trở bởi thực tế, để xử lý, thu hồi nợ, các tài sản thế chấp là đất nền, nhà phố, căn hộ, ô tô, máy móc, thiết bị đã và đang được nỗ lực rao bán… Tuy nhiên, nhiều tài sản bảo đảm có giá trị lớn, đặc biệt là bất động sản vẫn không hấp dẫn người mua, thậm chí “ế ẩm” dù ngân hàng đã hạ giá sâu.
Việc thu hồi nợ xấu ở khối cho vay tiêu dùng cũng đáng quan ngại khi mạng xã hội xuất hiện những hội nhóm lôi kéo, bày cho nhau cách bùng nợ, chây ỳ trả nợ... Bản thân các đơn vị cho vay đã có những biện pháp và cơ quan chức năng cũng vào cuộc song công tác thu hồi nợ đối với nhóm khách hàng này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Liên quan đến việc xử lý nợ xấu tại tòa án, theo ông Nguyễn Văn Trình - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, một số quy định vẫn khó thực hiện như thứ tự ưu tiên thay toán khi xử lý tài sản bảo đảm hay việc áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn. Đơn cử, đối với việc áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn, do khi xảy ra nợ xấu, đa phần khách hàng trốn tránh, không hợp tác với TCTD để phối hợp xử lý nên việc này rất khó thực hiện. Nếu tình tiết mới xuất hiện mà các bên đương sự không thống nhất, dẫn đến vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.
Thông qua việc kiểm toán tại NHNN, Kiểm toán nhà nước cũng từng chỉ ra những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng tới tính thanh khoản và an toàn của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Chẳng hạn như còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, phân loại nợ chưa phù hợp; còn một số ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao vượt ngưỡng. Qua đó, Kiểm toán nhà nước đã đưa ra kiến nghị, giúp NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện đúng, đầy đủ các quy định và kịp thời phát hiện các yếu tố tiềm ẩn rủi ro đối với từng TCTD.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - ông Nguyễn Quốc Hùng - bổ sung thêm, các quy trình, thủ tục tố tụng và thi hành án kéo dài gây tốn kém về mặt chi phí, giá trị tài sản bảo đảm bị giảm sút. Có trường hợp khách hàng cố ý tạo ra một vụ tranh chấp với người thứ ba khiến vụ việc thi hành án bị trì hoãn, kéo dài… Khách hàng gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ hoặc thậm chí chây ỳ trả nợ, không hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm… cũng là những nguyên nhân khiến cho quá trình xử lý nợ xấu của TCTD gặp nhiều khó khăn.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bổ sung quy định pháp luật cho phép các TCTD là bên nhận bảo đảm của khoản nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm; đồng thời bổ sung quy định về cơ chế phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan công an cho các TCTD trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…/.