Bảo vệ cột mốc, giữ vững biên cương Tổ quốc
Đóng trên địa bàn xã Quang Chiểu (huyện Mường Lát), cách trung tâm TP. Thanh Hóa gần 300 km, Đồn Biên phòng Quang Chiểu (Đồn Quang Chiểu) có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 39,5 km đường biên với 22 mốc giới thuộc địa bàn 22 bản của hai xã Quang Chiểu và Mường Chanh.
Đồn Quang Chiểu cũng là đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ cột mốc 304 - cột mốc nằm ở vị trí cao nhất, xa nhất, hiểm trở nhất của huyện Mường Lát. Con đường lên cột mốc dài gần 14km với nhiều quãng quanh co, hiểm trở, thế nhưng, đều đặn hằng tuần, các chiến sỹ của Đồn đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ cột mốc. Càng đáng quý hơn, theo Trung tá Nguyễn Thế Anh - Phó Đồn trưởng Đồn Quang Chiểu, các chiến sỹ của Đồn còn tích cực vận động người dân tham gia bảo vệ cột mốc biên giới và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Tận tình gieo từng con chữ
Từ năm 2012 trở lại đây, mỗi tháng một lần, anh Lâu Văn Lâu (dân tộc Mông, sống tại bản Pù Đứa) lại đi kiểm tra các cột mốc. Nhiều thế hệ trong gia đình anh cùng với những gia đình trong bản luôn coi việc bảo vệ cột mốc, bảo vệ vùng biên giới là trách nhiệm, là niềm tự hào của người Mông với Đảng. Đó cũng là cách thể hiện tình cảm, sự tin tưởng của đồng bào với các chiến sỹ Đồn Quang Chiểu; đồng thời góp phần tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc mà các thế hệ cán bộ, chiến sỹ của Đồn đang cố gắng tạo dựng, phát triển.
Theo Thiếu tá Nguyễn Trọng Đạt - chính trị viên Đồn Quang Chiểu, trong hai cuộc kháng chiến lịch sử, các thế hệ chiến sỹ của Đồn đã có những đóng góp quan trọng trong việc duy trì an ninh, trật tự khu vực biên giới, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại quân xâm lược, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Gần 60 năm qua, đơn vị đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2002, Đồn vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.
Những thầy giáo mang quân hàm xanh
Còn nhớ cách đây chưa lâu, đời sống người dân xã vùng cao Quang Chiểu, vẫn ngập trong khó khăn, thiếu thốn. Chỉ sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt, với quyết tâm giúp bà con xóa đói giảm nghèo của cán bộ, chiến sỹ Đồn Quang Chiểu, cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày. Nhờ được hướng dẫn, đồng bào dần thay đổi thói quen, từ chỗ chỉ biết sống dựa vào núi rừng, thời tiết... thì nay, bà con đã biết canh tác, sản xuất, biết trồng lúa nước và phát triển chăn nuôi. Nhiều tấm gương sáng trong thực hiện mô hình phát triển kinh tế giỏi xuất hiện từ đây.
Không chỉ hỗ trợ đồng bào trong sản xuất, phát triển kinh tế, các chiến sỹ ở Đồn còn là những thầy giáo trực tiếp đứng lớp dạy học cho người dân. Không quản ngại khó khăn, vất vả vượt qua chặng đường 13km đường rừng, các anh vẫn miệt mài “gieo chữ” nơi bản xa. Gắn bó với lớp học mở tại bản Suối Tút từ những buổi đầu, Trung úy Trần Văn Hưng cho biết, học sinh tại lớp, ngoài trẻ trong độ tuổi đến trường không có điều kiện đi học còn có cả người lớn không biết chữ cũng theo học. Sau mỗi buổi lên lớp, các chiến sỹ lại tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách; vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự; hướng dẫn bà con phương thức chăn nuôi, kỹ thuật gieo cấy lúa nước…
Các chiến sỹ phổ biến kiến thức sản xuất cho đồng bào
Tìm hiểu về việc chuẩn bị và không khí Tết nơi biên cương, các anh bảo: Tết ở Đồn cũng tươm tất, giờ không còn thiếu thốn như xưa. Nhưng còn đó nhiệm vụ phối hợp, đảm bảo không để một hộ dân nào chịu đói trong dịp này. “Hẹn các nhà báo về dịp Tết sau, khi đó sẽ không còn nỗi lo đồng bào chịu rét, chịu đói, vì gia đình nào cũng biết làm kinh tế rồi” - Chính trị viên của Đồn cho biết.
Nghe những lời đầy quyết tâm của đồng chí chính trị viên, chúng tôi thấy lòng mình rạo rực niềm vui và tràn đầy sự tin tưởng. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, cán bộ, chiến sỹ Đồn đang từng ngày, từng giờ giúp đời sống của đồng bào nơi đây được nâng lên, góp phần tạo nên diện mạo mới của một vùng biên thắm tình quân dân. Rời Đồn Quang Chiểu khi hoa đào, hoa lê đã phơi sắc trên những vạt rừng, chúng tôi lại bồi hồi, chờ cơ hội được một ngày trở lại với mảnh đất nghĩa tình nơi đây.
BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN LỘC