Nới lỏng chính sách tiền tệ: Cần hành động kịp thời

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội | 17/08/2023 09:08

(BKTO) - Mỗi chính sách đều có hai mặt. Chính sách nới lỏng tiền tệ cũng vậy. Một mặt, nó có thể thúc đẩy kinh tế tăng trưởng; mặt khác, nó lại cũng có thể gây ra lạm phát.

1-.jpg
Nới lỏng chính sách tiền tệ là đúng đắn và cần thiết. Ảnh: ST

Trong bối cảnh đa số các nước trên thế giới vẫn kiên trì chính sách tiền tệ thắt chặt, thì việc nới lỏng chính sách tiền tệ của nước ta có vẻ đang đi ngược chiều. Việc này có thể gây ra sự phân tâm cũng là điều dễ hiểu. Phải chăng một sự phân tâm như vậy đang được phản ánh trong các phản ứng liên quan đến Thông tư số 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (sẽ có hiệu lực ngày 01/9/2023)? Một mặt, đây là Thông tư được ban hành để cụ thể hóa chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ của Chính phủ. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp bất động sản lại cho rằng nó thắt chặt điều kiện tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp này. Thực ra, chỉ dựa vào Thông tư nói trên để khẳng định Ngân hàng Nhà nước có phân tâm hay không là hoàn toàn chưa đủ căn cứ. Ngoài ra, một sự độc lập nhất định của Ngân hàng Nhà nước còn rất quan trọng cho việc vận hành thể chế, đặc biệt liên quan đến chức năng của một ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng cần khẳng định nới lỏng chính sách tiền tệ là đúng đắn và cần thiết. Nhận thức này sẽ giúp cả hệ thống hành động nhất quán và kịp thời hơn.

Về mặt lý thuyết, có 5 dấu hiệu cơ bản để cân nhắc việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Dấu hiệu thứ nhất là tăng trưởng kinh tế. Nếu tăng trưởng kinh tế chậm lại hoặc suy giảm, thì đây là dấu hiệu để nới lỏng chính sách tiền tệ. Kinh tế nước ta quả thực đang tăng trưởng chậm lại. GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%...              

Trong lúc đó, chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2023 là 6,5%. Nếu không thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao hơn, đạt được chỉ tiêu đã đề ra là rất khó khăn.

Dấu hiệu thứ hai là tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp cao có thể là dấu hiệu của tình trạng kinh tế suy yếu. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể giúp tạo việc làm mới và giảm thất nghiệp. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2023 là 2,3%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước. Tuy nhiên, số người thiếu việc làm cũng rất lớn. Cũng theo số liệu thống kê, thì đang có 240.000 người thiếu việc làm. Ngoài ra, kinh tế phi chính thức của Việt Nam rất lớn, chiếm đến 30% GDP. Số người làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức cũng rất lớn, nhưng thống kê tỷ lệ thất nghiệp ở đây là không hề dễ dàng. Trong bất cứ trường hợp nào, tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng là một thực tế.

Dấu hiệu thứ ba là lạm phát. Nếu lạm phát đang duy trì ở mức thấp và dưới mục tiêu của Chính phủ đề ra, thì đây là dấu hiệu cho thấy Chính phủ có điều kiện cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, trong năm 2023, lạm phát chỉ biến động ở mức 2,5-3,5% và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% sẽ hoàn toàn có thể đạt được.

Dấu hiệu thứ tư là tăng trưởng tín dụng. Nếu tăng trưởng tín dụng thấp hoặc các ngân hàng hạn chế cho vay, thì đó có thể có dấu hiệu về nhu cầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đề ra cho năm 2023 là khoảng 14%. Trong lúc đó, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4,03%.

Dấu hiệu thứ năm là tình hình thị trường lao động. Sự cạnh tranh yếu thường đi kèm với tình trạng thị trường lao động không tốt. Đây là dấu hiệu cho thấy cần nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập. Do tổng cầu giảm, nhiều doanh nghiệp bị mất hoặc bị cắt giảm hợp đồng, nên thị trường lao động của nước ta đang đối mặt với không ít khó khăn.

Như đã phân tích, thì cả 5 dấu hiệu đều cho thấy nới lỏng chính sách tiền tệ là một sự cần thiết khách quan. Vấn đề đặt ra là các giải pháp liên quan đến việc nới lỏng chính sách tiền tệ phải được triển khai một cách nhanh chóng vào cuộc sống. Nếu mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra cho năm 2023 là 6,5%, thì mức tăng trưởng của 6 tháng cuối năm phải là trên dưới 9%. Đây là một mức tăng trưởng rất cao. Quỹ thời gian để đạt được mức tăng trưởng này còn lại rất ít. Trong lúc quỹ thời gian còn rất ít, thì độ trễ của chính sách lại là điều không thể tránh khỏi. Nếu chúng ta không hành động quyết liệt, thì độ trễ nói trên hoàn toàn có thể biến thành độ quá trễ./.

Cùng chuyên mục
  • Giải bài toán tăng trưởng
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Kinh tế phát triển theo chu kỳ: Đi lên rồi đi xuống; đi xuống rồi lại đi lên. Khi nó đi lên, mọi mục tiêu tăng trưởng đều rất dễ dàng đạt được. Khi nó đi xuống, đạt được những mục tiêu này là rất khó khăn.
  • Đối xử với thị trường bất động sản: Giận mà thương
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Bong bóng bất động sản tác động vô cùng tiêu cực đến nền kinh tế. Nhưng đóng băng bất động sản có vẻ cũng sẽ như vậy. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản hiện nay đang là mối lo ngại của không chỉ nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp, nhiều ngân hàng mà còn đến cả nhiều nhà kinh tế. Để dễ cảm nhận, trong 6 tháng đầu năm 2023, thu tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước đã giảm rất mạnh, chỉ đạt 31% dự toán.
  • Nâng tầm vị thế cho Kiểm toán nhà nước
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - 29 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng làm tốt và củng cố vững chắc hơn vị thế “người gác cổng cuối cùng” trung thành và đáng tin cậy của Đảng, công cụ mạnh mẽ của Nhà nước về kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, cung cấp kịp thời thông tin tạo căn cứ cần thiết và chính xác hỗ trợ quá trình thông qua các quyết định chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, cũng
  • “Cảnh báo đỏ” đối với hành vi mua bán hóa đơn trái phép
    một năm trước Góc nhìn
    Mua bán hóa đơn là hành vi trái pháp luật, không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Thế nhưng, không chỉ công khai mua bán hóa đơn trái phép trên mạng mà nhiều đối tượng xử dụng nhiều chiêu thức đối phó với cơ quan thuế trong đợt “truy quét” hóa đơn sai phạm đang diễn ra...
  • Phòng, chống tham nhũng chính trị
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Tham nhũng chính trị là một hình thức tham nhũng. Đây cũng là tội lạm dụng quyền lực công để mưu lợi cá nhân một cách bất hợp pháp. Tuy nhiên, đây là hình thức tham nhũng ở cấp bậc cao hơn và nguy hiểm hơn.
Nới lỏng chính sách tiền tệ: Cần hành động kịp thời