Giải bài toán tăng trưởng

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội | 03/08/2023 13:41

(BKTO) - Kinh tế phát triển theo chu kỳ: Đi lên rồi đi xuống; đi xuống rồi lại đi lên. Khi nó đi lên, mọi mục tiêu tăng trưởng đều rất dễ dàng đạt được. Khi nó đi xuống, đạt được những mục tiêu này là rất khó khăn.

tang-truong-tp-hcm.jpeg
Chính phủ đã có một loạt các phản ứng chính sách nhằm kích hoạt hơn nữa cả 3 động lực của tăng trưởng kinh tế. Ảnh: ST

“Khôn ngoan không lại với Trời”, giỏi giang không lại với chu kỳ kinh tế! Chưa thấy các nhà nghiên cứu nói nhiều về chu kỳ đi xuống của nền kinh tế, thế nhưng chắc chắn là nó đang không ở trong chu kỳ đi lên. Mà như vậy thì mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2023 này là rất cao và đạt được nó là hoàn toàn không dễ. Mức tăng trưởng cho 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt được 3,72% cho chúng ta thấy rất rõ điều này.

Để đạt được tăng trưởng 6,5% cho cả năm 2023, thì mức tăng trưởng của 6 tháng cuối năm sẽ phải là 9%. Đây là một mức tăng trưởng rất cao. Tuy nhiên, có vẻ như Chính phủ vẫn đang cố gắng thúc đẩy mọi việc để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng nói trên. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã có một loạt các phản ứng chính sách nhằm kích hoạt hơn nữa cả 3 động lực của tăng trưởng kinh tế là: Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Ở đây, đã có sự kết hợp khá chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Khoảng không gian cho những chính sách tài khóa là khá rộng. Nhiều chuyên gia cho rằng, so với trần nợ công mà Quốc hội cho phép, thì Chính phủ vẫn còn có thể huy động hàng triệu tỷ đồng để tăng cường đầu tư công. Đây quả thực là công việc đang được Chính phủ quan tâm thúc đẩy. Ngoài ra, tăng cường đầu tư công là một việc, tăng cường giải ngân đầu tư công lại là một việc khác. Cái thật sự tác động lên tăng trưởng kinh tế là việc đầu tư công được giải ngân kịp thời và có chất lượng. Điều đáng phấn khởi là tỷ lệ giải ngân đầu tư công đang được cải thiện rất nhiều.                

Cũng liên quan đến chính sách tài khóa, việc giảm, hoãn thuế, phí, tiền cho thuê đất vẫn đang tiếp tục được triển khai. Việc này chắc chắn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của thời kỳ hậu Covid-19 và suy giảm kinh tế. Đặc biệt có ý nghĩa là việc cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng vừa được Quốc hội thông qua. Thuế giá trị gia tăng giảm chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến cả ba động lực tăng trưởng kể cả xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.

Chính sách tiền tệ cũng đã được nới lỏng một cách linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với phản ứng chính sách này, việc tiếp cận tín dụng sẽ trở nên dễ dàng hơn, và tín dụng cũng trở nên rẻ hơn. Điều này chắc chắn cũng tác động tích cực lên cả ba động lực tăng trưởng là: Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.

Các phản ứng chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói trên là mạch lạc và đúng hướng. Vấn đề còn lại là năng lực thực thi chính sách. Năng lực này nói chung vẫn còn đang khá thấp. Sẽ còn cần phải thúc đẩy một loạt các cải cách liên quan đến hành chính - công vụ để nâng cao năng lực thực thi chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, trước mắt cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và áp đặt chế độ trách nhiệm công vụ một cách rõ ràng, chặt chẽ.

Liên quan đến xuất khẩu, xuất khẩu đang gặp không ít khó khăn do cầu của thị trường thế giới giảm. Tuy nhiên, không phải cầu về thứ gì cũng giảm. Có vẻ như cầu về lương thực và một số sản phẩm nông nghiệp thì vẫn tăng. Vấn đề là chúng ta phải biết tái phân bổ các nguồn lực đủ nhanh để kịp thời sản xuất ra những hàng hóa mà thị trường thế giới đang cần.

Cuối cùng, đầu tư công vẫn là chìa khóa quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Lý do là vì không gian chính sách cho đầu tư công còn rất lớn; đầu tư công sẽ giúp nâng tổng cầu của nền kinh tế nhờ đó năng lực hấp thụ vốn sẽ được cải thiện; đầu tư công sẽ giúp giải quyết việc làm cho người lao động nhờ đó tiêu dùng cũng sẽ được thúc đẩy. Tất nhiên, đầu tư công cần phải tập trung cho các cơ sở hạ tầng cần thiết để nền kinh tế có thể cất cánh và đất nước có thể phát triển bền vững./.

Cùng chuyên mục
  • Đối xử với thị trường bất động sản: Giận mà thương
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Bong bóng bất động sản tác động vô cùng tiêu cực đến nền kinh tế. Nhưng đóng băng bất động sản có vẻ cũng sẽ như vậy. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản hiện nay đang là mối lo ngại của không chỉ nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp, nhiều ngân hàng mà còn đến cả nhiều nhà kinh tế. Để dễ cảm nhận, trong 6 tháng đầu năm 2023, thu tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước đã giảm rất mạnh, chỉ đạt 31% dự toán.
  • Nâng tầm vị thế cho Kiểm toán nhà nước
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - 29 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng làm tốt và củng cố vững chắc hơn vị thế “người gác cổng cuối cùng” trung thành và đáng tin cậy của Đảng, công cụ mạnh mẽ của Nhà nước về kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, cung cấp kịp thời thông tin tạo căn cứ cần thiết và chính xác hỗ trợ quá trình thông qua các quyết định chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, cũng
  • “Cảnh báo đỏ” đối với hành vi mua bán hóa đơn trái phép
    một năm trước Góc nhìn
    Mua bán hóa đơn là hành vi trái pháp luật, không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Thế nhưng, không chỉ công khai mua bán hóa đơn trái phép trên mạng mà nhiều đối tượng xử dụng nhiều chiêu thức đối phó với cơ quan thuế trong đợt “truy quét” hóa đơn sai phạm đang diễn ra...
  • Phòng, chống tham nhũng chính trị
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Tham nhũng chính trị là một hình thức tham nhũng. Đây cũng là tội lạm dụng quyền lực công để mưu lợi cá nhân một cách bất hợp pháp. Tuy nhiên, đây là hình thức tham nhũng ở cấp bậc cao hơn và nguy hiểm hơn.
  • Khắc phục tình trạng đầu tư thấp, dàn trải, kém hiệu quả trong phát triển văn hóa
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Sự chuyển động của cả hệ thống chính trị thời gian qua đang tạo sự chuyển biến trong phát triển văn hóa, đặc biệt là từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Tuy nhiên, quan điểm về đầu tư cho văn hóa cần phải được quán triệt, thực hiện thường xuyên hơn với ý thức chính trị và trách nhiệm cao nhất để đảm bảo nguồn lực đầu tư cho văn hóa; cũng như khắc phục triệt để tình trạng đầu tư dàn trải, chưa thực sự mang lại hiệu quả như vừa qua.
Giải bài toán tăng trưởng