OGP - cơ chế hữu ích trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

(BKTO) - Đối tác Chính phủ mở (Open Government Partnership - OGP) là sáng kiến quốc tế nổi bật nhất hiện nay nhằm đảm bảo cam kết của chính phủ đối với việc thúc đẩy minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước. Hiện nay, đã có 79 quốc gia và 20 chính quyền địa phương tham gia làm thành viên của sáng kiến. Mặc dù Việt Nam chưa phải là thành viên của OGP nhưng việc áp dụng các nguyên tắc của OGP sẽ giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.



OGP với 4 tiêu chí tính điểm

Nhận định trên được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra tại Hội thảo Công bố Báo cáo nghiên cứu “Đối tác Chính phủ mở có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” do Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam - vừa tổ chức, tại Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Viễn - Giám đốc Điều hành TT, với các nguyên tắc “công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, hỗ trợ sự tham gia của người dân, khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước”, OGP là một cơ chế hữu ích giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả SDGs mà Việt Nam đang gặp nhiều thách thức.

Cụ thể, OGP là sáng kiến quốc tế ra đời năm 2011 bởi 8 quốc gia: Anh, Na Uy, Mỹ, Mexico, Brazil, Nam Phi, Philippines, Indonesia và 9 tổ chức xã hội quốc tế. OGP đã đề ra 4 tiêu chí tính điểm với điểm số tối đa là 16, gồm: minh bạch tài khóa 4 điểm, công khai tài sản 4 điểm, sự tham gia của người dân 4 điểm, tiếp cận thông tin 4 điểm. Để trở thành thành viên của OGP, mỗi quốc gia phải đạt điểm tối thiểu 12/16.

Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu của OGP, tính đến tháng 11/2018, Việt Nam đã có 8 điểm và vẫn thiếu 4 điểm để tham gia vào cơ chế OGP. Cụ thể, điểm OGP của Việt Nam là: minh bạch tài khóa 0 điểm, tiếp cận thông tin 4 điểm, công khai tài sản 2 điểm, sự tham gia của người dân 2 điểm.

Tại Hội thảo, các chuyên gia của TT cùng các đại biểu trong và ngoài nước đã báo cáo, trình bày kết quả nghiên cứu, thảo luận về cơ chế OGP giúp Việt Nam thực hiện SDGs và khả năng Việt Nam tham gia vào sáng kiến quốc tế OGP…

Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn cho biết, theo kết quả Báo cáo nghiên cứu “Đối tác Chính phủ mở có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện SDGs”, các nguyên tắc của OGP rất phù hợp với các chính sách và quy định pháp luật của Việt Nam về quản lý nhà nước.

Trên thực tế, có nhiều sáng kiến, dự án và chính sách phù hợp với OGP đang được Việt Nam triển khai ở nhiều cấp độ; nhiều quy định và chính sách của Việt Nam có nội dung tương đồng với nguyên tắc của OGP như: khả năng tiếp cận thông tin; sự tham gia của người dân; phòng, chống tham nhũng; pháp luật và chính sách nhằm tăng cường áp dụng công nghệ mới hướng đến công khai và trách nhiệm giải trình. Ví dụ, Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) khi được áp dụng đã góp phần cải thiện hoạt động quản lý nhà nước tại Việt Nam.

Áp dụng OGP sẽ mang lạihiệu quả

Đối với SDGs của Liên Hợp Quốc, Chính phủ Việt Nam đã thông qua “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” vào tháng 5/2017, bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam đến năm 2030.

Trong Báo cáo nghiên cứu, các chuyên gia nhấn mạnh, các kế hoạch hành động của Việt Nam thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 cần lồng ghép các nguyên tắc của OGP. Bởi các nguyên tắc của OGP sẽ giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả 17 mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra rằng, việc hoàn thành SDGs là nhiệm vụ đầy thách thức đối với Chính phủ Việt Nam. Thứ nhất, Chính phủ phải duy trì được các thành quả đã đạt được về tỷ lệ tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo trong bối cảnh hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ quốc tế và đa quốc gia đang suy giảm do Việt Nam đã được xếp vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Thứ hai, trong bối cảnh toàn cầu mới, Chính phủ cần đưa ra những cam kết hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển toàn diện hơn. Thứ ba, quan trọng nhất là chất lượng thể chế và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế. Trước thực tế này, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi sự đóng góp và tham gia tích cực của toàn xã hội, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng DN, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng quốc tế… vào quá trình hiện thực hóa SDGs.

Theo PGS. Nguyễn Minh Thuyết - Thành viên Ban Cố vấn của TT, nếu Việt Nam áp dụng nghiêm túc và hiệu quả các nguyên tắc của OGP trong quá trình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững thì chất lượng quản trị nhà nước và thể chế của Việt Nam sẽ được cải thiện, từ đó huy động được nguồn lực và sự tham gia tích cực của nhiều chủ thể trong xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, bà Caitlin Wiesen - Chủ tịch Nhóm kết quả quản trị công của Liên Hợp Quốc, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam - cho biết, Liên Hợp Quốc khuyến khích Việt Nam trở thành thành viên OGP và tiếp tục thực hiện Mục tiêu 16 nhằm xây dựng Chính phủ trong sạch, bao trùm, cởi mở, có trách nhiệm, phản ứng nhanh và minh bạch cho mọi người dân. Để hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia khác trong quá trình này, ngày 28/02, Tổng Giám đốc UNDP toàn cầu sẽ ký Biên bản ghi nhớ về 6 lĩnh vực hợp tác trọng tâm.

PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 09 ra ngày 28-02-2019
Cùng chuyên mục
OGP - cơ chế hữu ích trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững