Pakistan: Hàng loạt sai phạm trong bổ nhiệm, liên kết… tại nhiều trường đại học

(BKTO) - Cuối tháng 12/2018, KTNN Pakistan đã công bố báo cáo kiểm toán khối các trường đại học công lập cho giai đoạn tài chính 2017-2018, trong đó hé mở nhiều sai phạm trong việc bổ nhiệm và tổ chức liên kết tại nhiều trường đại học công lập của nước này.



Cuộc kiểm toán được thực hiện theo yêu cầu của Tòa án tối cao Pakistan (SCP), sau khi sai phạm trong bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Nha khoa Khyber của Pakistan bị phanh phui. Theo đó, KTNN Pakistan đã thành lập một Ban Kiểm toán đặc biệt để tiến hành kiểm toán các hồ sơ, giấy tờ liên quan tại 4 trường đại học công lập lớn, bao gồm: Đại học Ngôn ngữ quốc gia hiện đại (Numl), Đại học Mở Allama Iqbal, Đại học Comsats, Đại học Quaid-i-Azam.

Theo báo cáo kiểm toán, mặc dù không phải là một trường đại học y khoa, song Numl đã thực hiện liên kết với một trường cao đẳng để tổ chức cung cấp đào tạo về lĩnh vực y tế, trái với những chỉ dẫn của Ủy ban Các vấn đề về giáo dục đại học (HEC) của Pakistan và các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Ban Lãnh đạo Nhà trường cũng mắc nhiều sai phạm trong việc bổ nhiệm 32 giảng viên và 29 cán bộ hành chính. Các khung quy định và tiêu chế theo Điều lệ của Numl đã không được tuân thủ trong quá trình tuyển dụng.

Còn tại Đại học Mở Allama Iqbal, Ban Kiểm toán đã nhận thấy lãnh đạo Nhà trường đã chi dùng khoảng 24,3 triệu Rupee (khoảng 340 triệu USD) để mua sắm phụ tùng cho thiết bị máy móc in và xuất bản mà không có chứng từ hỗ trợ. Đáng lưu ý, nhiều phụ tùng vẫn còn nằm trong kho và không được sử dụng tính đến ngày 30/6/2017, dẫn đến lãng phí công quỹ lớn.

Tại Đại học Comsats, các kiểm toán viên cũng chỉ ra nhiều bất thường xoay quanh vấn đề bổ nhiệm 27 chuyên gia cố vấn với mức lương cố định hằng tháng là 26,3 triệu Rupee. Tất cả các chuyên gia tư vấn, cố vấn của Nhà trường được bổ nhiệm mà không có thông tin đăng tuyển công khai, thi cạnh tranh, điều này trái với những quy định của Bộ Giáo dục Pakistan. Bên cạnh đó, Ban Lãnh đạo Comsats cũng bị chỉ trích do thực hiện bổ nhiệm 149 cán bộ tại trụ sở chính của Trường ở Thủ đô Islamabad mà không tuân thủ theo bộ tiêu chí của Điều lệ các trường đại học Liên bang. Ngoài ra, Ban Lãnh đạo đã chi khoảng 2,2 triệu Rupee để mua một chiếc xe hơi hiệu Toyota Corolla Altis cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Liên bang mà không có cơ sở hợp lý và điều này được cho là cấu thành hành vi hối lộ do khoản mua sắm không thuộc trách nhiệm của Nhà trường.

Còn tại Đại học Quaid-i-Azam, các kiểm toán viên cũng nhận thấy những sai phạm tương tự trong công tác tuyển dụng các giảng viên bán thời gian, giảng viên thỉnh giảng và việc chi trả trợ cấp y tế trái quy định cho các nhân viên với tổng chi phí 71 triệu Rupee.

Trong một diễn biến liên quan trước đó, Cơ quan Phòng chống và Điều tra tham nhũng Pakistan (ACED) đã tiến hành điều tra tham nhũng với số tiền lên đến 17 tỷ Rupee tại tất cả các cơ sở giáo dục thuộc tỉnh Sindh, Đông Nam Pakistan. Vụ bê bối này liên quan đến nhiều công chức tại các phòng giáo dục, cơ quan tài chính, kiểm toán,…

Tham nhũng trong giáo dục vẫn là tâm điểm gây nhức nhối của Chính phủ Pakistan. Ở Pakistan, hiện nay, vẫn còn tồn tại khoảng gần 8.000 kiểu “trường học ma”, “giáo viên ma”. Việc hối lộ để tuyển dụng vào ngành, mua bằng, bằng giả, chạy chức, chạy quyền, cũng như hối lộ trong mua sắm xây dựng, trang thiết bị trường học vẫn là một vấn nạn đáng báo động tại quốc gia này.

NGỌC QUỲNH
Theo Báo Kiểm toán số 03 ra ngày 17-01-2019
Cùng chuyên mục
  • Các hãng kiểm toán lớn cần cải thiện chất lượng hoạt động
    5 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Vừa qua, Hội đồng Báo cáo tài chính (FRC) Vương quốc Anh đã công bố Báo cáo thường niên 2017 kết thúc vào ngày 31/3/2018. Báo cáo chỉ ra rằng, chất lượng dịch vụ của các hãng kiểm toán lớn nhất toàn cầu đang có xu hướng suy giảm. Vấn đề này đòi hỏi các hãng cần khẩn trương củng cố hoạt động dịch vụ của mình.
  • Afghanistan: Nhiều thách thức khi thực hiện kiểm toán môi trường
    5 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG) gồm 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu đã được công nhận trên phạm vi toàn cầu với 193 quốc gia đã cam kết thực hiện sáng kiến này, trong đó Chính phủ Afghanistan là một thành viên. Chính sách của Chính phủ Afghanistan là điều chỉnh các mục tiêu và chỉ số của SDG sao cho phù hợp với chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, đến nay, kiểm toán môi trường vẫn còn khá mới mẻ và lạ lẫm đối với các kiểm toán viên nhà nước Afghanistan.
  • Thổ Nhĩ Kỳ:  NWTF thiếu minh bạch trong sử dụng công quỹ quản lý động vật hoang dã
    5 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Tòa Kiểm toán Thổ Nhĩ Kỳ (TCA) vừa qua đã công bố những phát hiện từ cuộc kiểm toán đặc biệt đối với nguồn động vật hoang dã và hoạt động của Cơ quan Quản lý động vật hoang dã (NWTF) nước này trong giai đoạn tài chính 2015-2017. Theo đó, TCA đã chỉ ra 11 phát hiện liên quan đến sai phạm trong sử dụng tài chính công, đồng thời đưa ra một loạt các khuyến nghị cho Ban Lãnh đạo NWTF nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Tổ chức.
  • Hoa Kỳ: Sở Giáo dục New York tắc trách trong quản lý các trang thiết bị
    5 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Tháng 12 vừa qua, KTNN bang New York (Hoa Kỳ) đã công bố kết quả cuộc kiểm toán công tác mua sắm các trang, thiết bị của Sở Giáo dục New York (DOE) có trị giá gần 200 triệu USD. Báo cáo kiểm toán tiết lộ nhiều sai phạm trong các hợp đồng giao dịch cũng như công tác quản lý tài sản, từ đó đưa ra khuyến nghị kiểm toán cần thiết.
  • Nam Phi: Thất thoát, sai phạm tài chính nghiêm trọng tại nhiều doanh nghiệp nhà nước
    5 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Theo Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước Nam Phi Kimi Makwetu, 296 tỷ Rand (20,3 tỷ USD) là con số đáng lo ngại về các khoản chi tiêu sai phạm, lãng phí và không hiệu quả tại các cơ quan của Chính phủ, chính quyền địa phương và DNNN trong 5 năm qua.
Pakistan: Hàng loạt sai phạm trong bổ nhiệm, liên kết… tại nhiều trường đại học