Một phần của Dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt. Ảnh: PVN |
Đầu tư lớn cho các lĩnh vực cốt lõi
Tại Hội nghị Đầu tư - Tài chính năm 2022 của Petrovietnam mới đây, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, công tác đầu tư, tài chính luôn có sự liên hệ chặt chẽ, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp. Đối với Petrovietnam - Tập đoàn duy nhất trong lĩnh vực dầu khí, một doanh nghiệp nòng cốt trong lĩnh vực năng lượng - công tác đầu tư, tài chính càng quan trọng, quyết định sự phát triển lớn mạnh, tính hiệu quả và sự phát triển bền vững của Tập đoàn.
Để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phát triển Petrovietnam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tập đoàn đã xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư liên quan đến tất cả các lĩnh vực, trong đó đặc biệt ưu tiên lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và lĩnh vực điện. Ước tính sơ bộ, trong giai đoạn 2021-2025, Petrovietnam sẽ đầu tư khoảng 416 nghìn tỷ đồng.
Thông tin về công tác đầu tư của Petrovietnam, ông Hoàng Quốc Vượng nêu rõ, việc triển khai thành công các chương trình đầu tư lớn với các dự án trọng điểm, quan trọng như Chuỗi dự án Lô B, Cá Voi Xanh, các dự án điện khí, các dự án điện gió ngoài khơi, các dự án khâu sau… có ý nghĩa sống còn cho sự phát triển sắp tới của Tập đoàn.
Box: Trong giai đoạn 2016-2020, Petrovietnam nắm giữ 100% thị phần tìm kiếm, thăm dò dầu khí và công nghiệp khí; 6% sản lượng điện sản xuất; 20% thị phần kinh doanh bán lẻ xăng dầu; 70% thị trường lọc hóa dầu, đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục thiếu hụt nguồn cung của thị trường trong nước.
Theo ông Trương Quốc Lâm, Trưởng ban Kinh tế - Đầu tư (Petrovietnam), trong giai đoạn 2016-2021, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, thuận lợi thì ít nhưng thách thức thì nhiều. Đây cũng là giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử xây dựng và phát triển Petrovietnam do giá dầu liên tiếp giảm sâu, tiềm năng dầu khí khu vực truyền thống ngày càng hạn chế, sản lượng khai thác suy giảm, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp… Trong bối cảnh đó, Tập đoàn đã hoàn thành đầu tư 21 dự án/công trình, đưa vào vận hành, đáng chú ý có các dự án lớn như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy xử lý khí Cà Mau, Sao Vàng - Đại Nguyệt…
Riêng trong năm 2021, Petrovietnam đã đưa 3 mỏ/công trình dầu khí vào khai thác, đưa Tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 vào vận hành từ 27/11, Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã khởi động đốt lò hơi phụ thành công vào ngày 11/12, khởi công san lấp mặt bằng Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4.
Song song với đó, nhiều dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí đã được Petrovietnam tập trung triển khai trong giai đoạn 2016-2021, như Chuỗi dự án Lô B, Cá Voi Xanh, Nam Côn Sơn giai đoạn 2, LNG Thị Vải, LNG Sơn Mỹ và các dự án điện cấp bách như Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú 1.
Đặc biệt, Petrovietnam đã tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến 5 dự án yếu kém theo đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, năm 2018, Tập đoàn đã đưa vào hoạt động 3 dây chuyền sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất. Đồng thời, Tập đoàn đã kiến nghị và được Chính phủ chấp thuận phương án xử lý, đưa ra khỏi danh sách 12 dự án khó khăn của ngành Công Thương đối với 2 dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước và Phú Thọ.
Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư - tài chính
Theo lãnh đạo Petrovietnam, trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tập trung nguồn lực đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao, dự án trọng điểm, không đầu tư dàn trải, quyết liệt xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ, tồn đọng kéo dài; triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác quản trị danh mục đầu tư toàn Tập đoàn, tối ưu hóa nguồn lực hướng tới thực hiện mục tiêu chiến lược của Tập đoàn.
Cùng với đó là tăng cường, đa dạng hóa các hình thức liên kết giữa các đơn vị thành viên để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực trong Tập đoàn; đẩy mạnh triển khai thực hiện “chuỗi liên kết giá trị”, đặc biệt là chuỗi dự án khí - điện; chuẩn hóa mô hình quản lý dự án, thiết lập khung quản trị dự án; tăng cường kiểm soát triển khai dự án đầu tư, có giải pháp xử lý kịp thời đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - một dự án lớn mà Petrovietnam tham gia đầu tư. Ảnh: PVN |
Ông Đặng Minh Phong, Trưởng ban Tài chính - Kế toán (Petrovietnam) cho biết, để phục vụ cho hoạt động đầu tư dài hạn của Petrovietnam, Tập đoàn đã và đang tập trung tổng kết đánh giá nguồn lực đầu tư, hiệu quả đầu tư, công tác tài chính cho đầu tư dài hạn trong giai đoạn 2016-2021 để xây dựng kế hoạch tài chính cho đầu tư dài hạn giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu đảm bảo hiệu quả, an toàn tài chính, tăng trưởng bền vững và gia tăng tích luỹ tài chính.
Lãnh đạo Petrovietnam đánh giá, nhìn chung, trong giai đoạn vừa qua, công tác cân đối và thu xếp vốn cho đầu tư dài hạn được đảm bảo. Tập đoàn đã bố trí đủ nguồn lực và vốn cho hoạt động đầu tư dài hạn, đặc biệt cho các dự án trọng điểm. Số dư vốn khả dụng cho đầu tư dài hạn cuối năm 2021 tại Công ty mẹ và các công ty con là nguồn lực quan trọng, tạo điều kiện đảm bảo nguồn lực cho hoạt động đầu tư dài hạn giai đoạn 2022-2025.
Chia sẻ về giai đoạn sắp tới, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tập đoàn xác định rõ là phải hoàn thiện các văn bản theo quy định của pháp luật, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định nội bộ trong Tập đoàn liên quan đến công tác đầu tư. Đồng thời, từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, Tập đoàn sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền có giải pháp chính sách để tháo gỡ.
Bởi theo Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng, hiệu quả của công tác đầu tư - tài chính có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả kinh doanh, tăng trưởng của Tập đoàn. Để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược của Tập đoàn, thực hiện thành công các kế hoạch đầu tư, Tập đoàn và các đơn vị thành viên phải tập trung thúc đẩy hoàn chỉnh các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, hoàn thiện xây dựng hệ thống quản trị danh mục đầu tư trong năm 2022, từ đó nhanh chóng đồng bộ mô hình quản trị đầu tư trong toàn Tập đoàn.../.