.jpeg)
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, các định chế tài chính, quỹ đầu tư quốc tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước… đã có những nhận định, đánh giá chính sách tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội so với chính sách về Trung tâm Tài chính quốc tế tại các quốc gia khác; có nhiều góp ý về các cơ chế chính sách đặc thù; các sản phẩm tài chính được cung cấp trong Trung tâm Tài chính quốc tế; chính sách ngoại hối, chính sách đất đai, xử lý tranh chấp…
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng những nội dung được trao đổi tại Hội nghị có ý nghĩa hết sức thiết thực, bổ ích. Các đại biểu có sự nghiên cứu rất kỹ về tài liệu; đặc biệt nhiều đại biểu là đại diện các doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức quốc tế đã có quá trình hoạt động, làm việc, đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam nên rất am hiểu về phát luật, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Ý kiến phát biểu của các đại biểu đánh giá rất cao quá trình chuẩn bị xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam nói chung và Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này nói riêng; bày tỏ cơ bản đồng tình với những nội dung được quy định trong dự thảo Nghị quyết và có những đánh giá rất tích cực về những chính sách, nhóm chính sách được đề xuất, cho rằng vừa phù hợp với chủ trương của Việt Nam, vừa tiệm cận được với các chuẩn mức quốc tế, có tính hấp dẫn cao đối với các nhà đầu tư quốc tế, như vấn đề về thuế, các chính sách vượt bậc, nổi trội khác trong thu hút đầu tư, chế độ kế toán, thủ tục đầu tư…
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng, bổ sung và hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết, mặc dù đã cố gắng để đạt được những chính sách nổi trội, hấp dẫn tối đa nhưng cũng còn có những nội dung cần tiếp tục được hoàn thiện, những vấn đề này cũng đã được các đại biểu đề cập khá rõ và có những khuyến nghị cụ thể; nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện cũng không thể quy định đầy đủ được trong Nghị quyết của Quốc hội.
.jpeg)
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam có địa vị pháp lý như một đạo luật nhưng việc sửa đổi, bổ sung đối với một nghị quyết của Quốc hội thì đơn giản hơn so với luật; những quy định tại Nghị quyết là những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc. Từ Nghị quyết, dự kiến có hơn hơn 20 nhóm vấn đề sẽ được cụ thể hóa, quy định cụ thể trong các nghị định của Chính phủ được ban hành sau khi nghị Nghị quyết được Quốc hội thông qua.
Phó Thủ tướng Thường trực mong muốn các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các nhà đầu tư, các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến đối với những vấn đề chính sách về xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam.
"Những ý kiến đóng góp không chỉ đối với quá trình xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội mà còn là cả đối với quá trình xây dựng hệ thống các nghị định của Chính phủ để Việt Nam vừa có Nghị quyết tốt vừa phải có cả hệ thống nghị định về Trung tâm Tài chính quốc tế tốt" - Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Tài chính, các bộ, ngành hữu quan tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý, khuyến nghị của các đại biểu tham dự hội nghị để bổ sung hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cũng như tiếp thu trong quá trình xây dựng hệ thống các nghị định của Chính phủ liên quan đến xây dựng và phát triển các Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam.
"Các vị đã đầu tư, kinh doanh rất thành công ở Việt Nam. Tôi mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và hy vọng với sự ra đời của Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam thì các vị sẽ là những thành viên đầu tiên hiện diện ở thị trường này để đầu tư. Chính phủ Việt Nam cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư ở các Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam cũng như đầu tư vào các hệ sinh thái khác mà các doanh nghiệp quan tâm" - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu./.