Phạm vi của Kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập không liên quan trực tiếp đến nhau

(BKTO) - Theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN), KTNN chỉ có một nội dung liên quan duy nhất đến kiểm toán độc lập (KTĐL) là KTNN có quyền thuê KTĐL tiến hành một số nội dung công việc, nhưng KTNN vẫn phải chịu trách nhiệm toàn bộ về kết quả kiểm toán - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn thông tin đến các đại biểu Quốc hội.

z5509183362774_bdd3de929324780264de02fc4f57c204.jpg
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán. Ảnh: TL

Liên quan đến mối quan hệ, sự hợp tác giữa KTNN và KTĐL, cũng như công tác quản lý hoạt động KTĐL hiện nay, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết: KTĐL là cơ quan thực hiện dịch vụ tài chính theo quy định của Luật KTĐL (Luật số 67/2022/QH12).

Theo đó, KTĐL cung cấp dịch vụ bởi kiểm toán viên hành nghề và cơ quan kiểm toán, cho ý kiến độc lập về tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính doanh nghiệp. Điều 11 Luật KTĐL quy định, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động của KTĐL và Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với KTĐL. Còn phạm vi của KTNN là tài chính công, tài sản công; đối tượng được kiểm toán là các đơn vị liên quan trực tiếp đến tài chính công, tài sản công.

Như vậy, phạm vi hoạt động của KTNN và KTĐL không liên quan trực tiếp đến nhau. Theo quy định của Luật KTNN, KTNN chỉ có một nội dung liên quan duy nhất đến KTĐL là KTNN có quyền thuê KTĐL tiến hành một số nội dung công việc, nhưng KTNN vẫn phải chịu trách nhiệm toàn bộ về kết quả kiểm toán - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết.

p.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (TP. Hà Nội) đặt câu hỏi: Khoản 8, Điều 11, Luật KTNN đã quy định quyền của KTNN được ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán cơ quan tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Nhiều nước trên thế giới đã hợp đồng với KTĐL để thực hiện một số công việc thuộc phạm vi KTNN như kiểm toán các dự án đầu tư công, kiểm toán tài sản và báo cáo tài chính. Việc này vừa đảm bảo mọi hoạt động sử dụng vốn, tài sản công đều được kiểm toán, KTNN cũng không bị quá tải công việc, đồng thời cũng là một trong những phương thức để thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động kiểm toán. Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết đã triển khai điều luật này chưa, kết quả thực hiện quy định trên và việc triển khai vấn đề này trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, đến nay, KTNN chưa thực hiện thuê doanh nghiệp KTĐL. Luật KTNN có quy định KTNN được quyền thuê và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm toán, nhưng hiện nay với nguồn lực, mục tiêu và Chiến lược phát triển của Ngành, KTNN đang cố gắng triển khai tốt và đến một lúc nào đó, KTNN sẽ thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội.

Giải đáp thêm về nội dung này, tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin: KTNN là một cơ quan độc lập do Quốc hội thành lập và thực hiện theo pháp luật. KTNN hoạt động với nguyên tắc và phạm vi thực hiện là chỗ nào có tài sản và có tiền của Nhà nước, ở đấy là có hoạt động kiểm toán. Vì vậy, chức năng, nhiệm vụ của KTNN là đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị những vấn đề được kiểm toán.

KTNN có quy trình rất chặt chẽ, chất lượng tốt và áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán nhà nước rất nổi trội. Ví dụ, áp dụng công nghệ viễn thám, hay áp dụng công nghệ siêu âm bê tông, áp dụng các công nghệ để thực hiện kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. "Đây là một điều rất mới và với trình độ, năng lực của kiểm toán viên khi kiểm toán dự án đầu tư xây dựng cơ bản, chúng tôi nghĩ KTNN là một trong những cơ quan hàng đầu về thực hiện kiểm toán và thanh tra về đầu tư" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá.

Còn KTĐL cung cấp các dịch vụ kiểm toán cho các doanh nghiệp. KTĐL gồm có những người hành nghề KTĐL, các doanh nghiệp KTĐL và các doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh kiểm toán đặt tại Việt Nam thực hiện việc hợp đồng kiểm toán để kiểm toán dịch vụ, kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán dự án đầu tư, kiểm toán một kỳ...

Năm 2024, Bộ Tài chính sẽ thực hiện kiểm tra 20 - 24 doanh nghiệp KTĐL, trong đó có 8 doanh nghiệp kiểm toán các công ty có lợi ích công trong lĩnh vực chứng khoán. Như vậy, Bộ Tài chính đã tập trung nâng cao chất lượng KTĐL thông qua bồi dưỡng, tập huấn, cấp phép và thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Theo quy định, Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý chất lượng kiểm toán thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách, chiến lược và thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức KTĐL. Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh kiểm tra 20 doanh nghiệp KTĐL, kết quả đánh giá: 11 doanh nghiệp đạt yêu cầu, 7 doanh nghiệp không đạt yêu cầu, 1 doanh nghiệp đánh giá yếu.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra 62 hồ sơ kiểm toán, kết quả đánh giá: 16 hồ sơ đạt yêu cầu, 26 hồ sơ không đạt yêu cầu và 20 hồ sơ là yếu kém. Qua đó, Bộ đã đình chỉ 7 kiểm toán viên, nhắc nhở 21 kiểm toán viên và phê bình các công ty KTĐL.

Năm 2024, Bộ Tài chính sẽ thực hiện kiểm tra 20 - 24 doanh nghiệp KTĐL, trong đó có 8 doanh nghiệp kiểm toán các công ty có lợi ích công trong lĩnh vực chứng khoán. Như vậy, Bộ Tài chính đã tập trung nâng cao chất lượng KTĐL thông qua bồi dưỡng, tập huấn, cấp phép và thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian sắp tới, với vai trò chức năng, nhiệm vụ và phạm vi công tác được Chính phủ giao và luật định, Bộ Tài chính tiếp tục nâng cao chất lượng KTĐL để phục vụ cho dịch vụ kiểm toán của các cơ quan, đơn vị cũng như các doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng chỉ đạo để nâng cao phẩm chất, năng lực của kiểm toán viên, nhất là thái độ nghề nghiệp cũng như phương thức kiểm toán dựa trên trọng yếu rủi ro, đảm bảo hệ thống kiểm soát nội bộ ngày một chặt chẽ và chất lượng hơn./.

Cùng chuyên mục
Phạm vi của Kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập không liên quan trực tiếp đến nhau