Phân cấp việc kiểm định xe về địa phương, tăng trách nhiệm đơn vị đăng kiểm

(BKTO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư 44/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 18/2019 quy định về hướng dẫn thực hiện Nghị định 139/2018 và Nghị định 30/2023 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, có hiệu lực từ ngày 15/2/2024 (Thông tư 44).

dang-kiem-191.jpg
Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo người dân chủ động đặt lịch hẹn kiểm định, có thể kiểm định xe tại bất kỳ trung tâm đăng kiểm nào; chuẩn bị các giấy tờ cần thiết trước khi đi đăng kiểm. Ảnh: ST

Quy định quy trình cấp phép trung tâm đăng kiểm, thẩm quyền kiểm tra đột xuất

Thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực hiện phân cấp quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới từ Cục Đăng kiểm VN về sở GTVT địa phương.

Về việc cấp phép hoạt động cho đơn vị đăng kiểm, Thông tư quy định: Sau khi hoàn thành việc đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật, tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm lập một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gửi về sở GTVT.

Cơ quan này cũng có trách nhiệm trong việc thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Thông tư 44 cũng quy định về các trường hợp kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm định xe cơ giới, gồm: Khi có phản ánh, khiếu nại có cơ sở về vi phạm trong hoạt động kiểm định; Có văn bản yêu cầu của các cơ quan chức năng; Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kiểm định (thông qua hệ thống giám sát, phân tích cơ sở dữ liệu kiểm định).

Cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra đột xuất là Cục Đăng kiểm Việt Nam, sở GTVT.

Hồ sơ kiểm tra, đánh giá việc duy trì và kiểm tra đột xuất các điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ được lưu trữ tại đơn vị đăng kiểm và GTVT trong thời hạn tối thiểu 5 năm.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có 274/292 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động (tương đương 94%) với 447/542 dây chuyền kiểm định đang hoạt động (tương đương hơn 82% năng lực kiểm định toàn hệ thống). Hiện còn 18 trung tâm đang dừng hoạt động do phục vụ công tác điều tra, do không đủ điều kiện hoặc tự đóng cửa. Cả nước có 1.747 đăng kiểm viên đang thực hiện công tác kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm, trong đó có 1.002 đăng kiểm viên bậc cao và 745 đăng kiểm viên xe cơ giới.

Quy định chi tiết về tập huấn đăng kiểm viên

Thông tư 44 cũng quy định chi tiết nội dung tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên.

Đáng chú ý, Thông tư quy định rõ số lượng xe thực hành trên dây chuyền đối với mỗi học viên (đăng kiểm viên khi thực tập) theo phân loại thời gian thực tập tương ứng với kinh nghiệm mỗi người. Điều này, giúp tận dụng sớm nguồn nhân lực là các kỹ sư ô tô, kỹ thuật viên sửa chữa, bảo dưỡng xe cơ giới đã có kinh nghiệm để bổ sung cho lượng đăng kiểm viên đang thiếu hụt hiện nay.

Cụ thể, đối với học viên có thời gian thực tập 3 tháng phải thực hành tối thiểu 100 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau (có thể thực tập nhiều công đoạn trên một xe), trong đó mỗi công đoạn thực tập tối thiểu 25 xe tải, 25 xe khách. Riêng việc lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện tối thiểu đối với 100 xe.

Học viên có thời gian thực tập 6 tháng, thực tập tối thiểu 200 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau (có thể thực tập nhiều công đoạn trên một xe), trong đó mỗi công đoạn thực tập tối thiểu 50 xe tải, 50 xe khách. Lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện tối thiểu đối với 200 xe.

Học viên có thời gian thực tập 12 tháng, thực hành tối thiểu 400 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau (có thể thực tập nhiều công đoạn trên một xe), trong đó mỗi công đoạn thực tập tối thiểu 100 xe tải, 100 xe khách. Riêng việc lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện tối thiểu đối với 400 xe.

Người hướng dẫn thực tập phải là đăng kiểm viên có kinh nghiệm tối thiểu 36 và chịu trách nhiệm về nội dung thực tập của học viên.

Tăng trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm

Thông tư còn bổ sung nhiều quy định nhằm tăng trách nhiệm của các đơn vị đăng kiểm. Theo đó, yêu cầu các đơn vị này phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, minh bạch, không bị chi phối bởi bất cứ yếu tố nào làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm định.

Ngoài ra, đơn vị đăng kiểm cũng có thêm trách nhiệm: Cử người tham gia tập huấn, tập huấn cập nhật, bổ sung nghiệp vụ đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ; Xây dựng, ban hành quy trình nội bộ của đơn vị đăng kiểm; Tuân thủ việc thực hiện các nghĩa vụ về tài chính liên quan đến hoạt động kiểm định; Định kỳ hàng quý, báo cáo sử dụng ấn chỉ kiểm định theo quy định.

Cùng đó, có trách nhiệm cung cấp tài khoản camera giám sát cho Cục Đăng kiểm VN và Sở GTVT để thực hiện việc giám sát hoạt động kiểm định xe cơ giới; sử dụng thống nhất hệ thống phần mềm quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới do Cục Đăng kiểm VN chuyển giao và các phần mềm điều khiển thiết bị kiểm tra do Cục Đăng kiểm VN công bố…/.

Cùng chuyên mục
Phân cấp việc kiểm định xe về địa phương, tăng trách nhiệm đơn vị đăng kiểm