Cao Bằng: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19% so với cùng kỳ năm trước

(BKTO) - Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Cao Bằng tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022.

cong-nhan-cong-ty-co-phan-xay-dung-va-che-bien-truc-tre-xuat-khau-cao-bang-day-manh-san-xuat-dip-cuoi-nam.jpg
Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Cao Bằng tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh sưu tầm

Trong năm qua, ngành Công Thương tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, quản lý năng lượng, thương mại và xuất nhập khẩu (XNK). Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các dự án công nghiệp, năng lượng, khuyến công. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Công tác truyền thông quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại được quan tâm triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và hiệu quả.

Các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tổng kim ngạch XNK đều đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch năm 2023, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu địa phương tăng cao từ xuất khẩu sản phẩm tinh quặng niken đồng.

Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 6.700 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, bằng 100% kế hoạch năm. Trong đó, sản phẩm chủ lực có giá trị tăng trưởng cao nhất là phôi thép, tăng 38% so với cùng kỳ, vượt 20,34% kế hoạch năm.

Sản phẩm giảm mạnh nhất là điện sản xuất, dự kiến bằng 82% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 75,85% kế hoạch năm. Nguyên nhân trong 6 tháng đầu năm thời tiết khô hạn, các nhà máy thủy điện đều thiếu nước sản xuất.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt 11.527 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 24,78% kế hoạch năm. Thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, sức mua của người dân tăng ở hầu hết mọi lĩnh vực từ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, lữ hành.

Thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, giá cả thị trường tương đối ổn định ở hầu hết các mặt hàng.

Tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt 653 triệu USD, bằng 73,79% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 2,35% kế hoạch năm; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 368 triệu USD, tăng 136,6% so với cùng kỳ năm trước, vượt 178,79% kế hoạch năm.

Hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, lượng hàng hóa xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, Nhà máy sản xuất tinh quặng niken - đồng đi vào hoạt động tạo động lực mới thúc đẩy xuất khẩu địa phương, năm 2023, xuất khẩu tinh quặng niken đồng đạt khoảng 52 triệu USD.

Năm 2024, ngành Công Thương tỉnh phấn đấu: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,24% so với cùng kỳ năm 2023. Giải quyết các vướng mắc để đưa Nhà máy thủy điện Khuổi Luông đi vào hoạt động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng 10%; kim ngạch XNK tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Dự kiến, ngành Công Thương tỉnh tổ chức 8 - 10 đề án khuyến công; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường; triển khai chương trình xây dựng mô hình chiếu sáng học đường tiết kiệm điện, bảo vệ thị lực cho học sinh.

Đồng thời, nhiều hoạt động khác cũng sẽ được tổ chức thực hiện hiệu quả như các hoạt động xúc tiến thương mại; tham mưu, ưu tiên giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh; thực hiện quản lý tốt hoạt động thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các hoạt động đối ngoại với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), qua đó, tạo điều kiện cho việc hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, hoạt động XNK qua biên giới.

Tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, phiên chợ, giao lưu, kết nối giao thương, góp phần thúc đẩy lưu thông, phân phối tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy kết nối mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, khuyến khích các tổ chức, đơn vị kinh doanh sử dụng đa dạng các hình thức phân phối tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước./.

Cùng chuyên mục
Cao Bằng: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19% so với cùng kỳ năm trước