Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025

(BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2025.

1(4).jpeg
Ảnh minh họa. Nguồn: ST

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; xung đột địa chính trị và cạnh tranh nước lớn gay gắt hơn; căng thẳng thương mại gia tăng, việc thay đổi chính sách của một số nền kinh tế lớn tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu. Ở trong nước, khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; khối lượng công việc năm 2025 là rất lớn, chúng ta vừa phải tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, vừa phải tập trung thực hiện và hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025.

Trước bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 08/01/2025, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 04/02/2025 về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; rà soát kỹ lưỡng các nhiệm vụ trong tháng 02 và quý I/2025 để tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả; trong đó chú trọng những nội dung sau:

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư cao, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thế giới, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược, phân tích, dự báo, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô, phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả để ứng phó với các vấn đề phát sinh, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với kinh tế - xã hội của nước ta.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ...) và nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, tăng trưởng của các địa phương, nhất là các thành phố lớn là "đầu tàu" kinh tế, cực tăng trưởng, các địa phương tiềm năng để chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nỗ lực đạt chỉ tiêu tăng trưởng được Chính phủ giao, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nước đạt 8% trở lên và phấn đấu cao hơn trong điều kiện thuận lợi...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ; thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm; triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (cho vay nhà ở xã hội, cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản...).

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng dư địa về nợ công để đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực cho phát triển. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thu ngân sách nhà nước, mở rộng cơ sở thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới... Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không cần thiết để dành cho chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội, bảo đảm hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp...

Khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước theo Nghị quyết số 18-NQ/TW

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tổ chức thực hiện quyết liệt, bảo đảm tiến độ các công việc liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy theo kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không để hoạt động các bộ, cơ quan và UBND các địa phương bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc, nhất là các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan khác. Theo dõi sát sao để kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình hợp nhất, sáp nhập các cơ quan; gắn việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và đổi mới cách thức tổ chức công việc.

Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo tổ chức bộ máy mới, hoàn thành trước ngày 15/02/2025, bảo đảm đi vào hoạt động từ ngày 01/3/2025; rà soát, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiện toàn tổ chức bộ máy.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trong quá trình soạn thảo, trình ban hành các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ...

Đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ các "điểm nghẽn", "nút thắt" về pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (trong đó có Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, Luật sửa đổi, bổ sung các luật về tài chính...); rà soát, tiếp tục đề xuất sửa đổi và bảo đảm tiến độ sửa đổi các Luật: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Doanh nghiệp, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Năng lượng nguyên tử...

Tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động đề xuất, sửa đổi, hoàn thiện; thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, có giải pháp cụ thể, thiết thực tạo đột phá mạnh mẽ để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2025; Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025. Trong năm 2025, mọi thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được tổ chức thực hiện theo hình thức trực tuyến, thông suốt, liền mạch, minh bạch, hiệu quả, giảm tối đa giấy tờ; 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh; 100% Bộ phận Một cửa thực hiện số hoá hồ sơ thủ tục hành chính trước khi giải quyết theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ và Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/04/2023 của Văn phòng Chính phủ...

Quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên tỉnh, liên vùng, kết nối quốc gia, khu vực, quốc tế

Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ chi tiết Kế hoạch đầu tư công năm 2025 cho các nhiệm vụ, dự án, đẩy nhanh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2025 đạt 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu bố trí đủ máy móc, thiết bị, nhân lực thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", làm việc "3 ca, 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, đưa các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải về đích đúng tiến độ, phấn đấu vượt tiến độ đề ra, nhất là các công trình có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, bảo đảm hoàn thành mục tiêu có ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải và Lãnh đạo Chính phủ; tháo gỡ vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng, hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các công trình, dự án theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Trong năm 2025, quyết tâm thông toàn tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau, cơ bản hoàn thành Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện; nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất khánh thành đưa vào sử dụng dịp 30/4/2025; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh thủ tục đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia.../.

Cùng chuyên mục
Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025