Phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách

(BKTO) - Mặc dù tháng 10 đã lấy lại đà tăng nhưng bình quân 10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này đã tác động lớn đến công tác thu ngân sách của ngành hải quan. Đến nay, ngành hải quan thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 302.394 tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán, giảm 17%.

11.jpg
Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: ST

Hàng nhập khẩu có thuế giảm mạnh

Năm 2023, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu NSNN là 425.000 tỷ đồng. Dự toán năm 2023 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6-6,5%; giá dầu thô 70 USD/thùng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8-9%, kim ngạch nhập khẩu tăng từ 7-8%; các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) tiếp tục trong giai đoạn cắt giảm sâu, một số FTA mới được ký kết.

Để triển khai nhiệm vụ này, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 479/CT-TCHQ về tăng cường hiệu quả thu NSNN, trong đó chỉ ra các nhóm giải pháp chung và giải pháp cụ thể cho từng đơn vị để triển khai đồng bộ trong toàn ngành.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, kinh tế thế giới 10 tháng năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, xung đột quân sự, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Trong nước, sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất tiếp tục khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, nhu cầu thế giới giảm ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất... đã dẫn đến tổng trị giá xuất nhập khẩu 10 tháng của năm 2023 giảm, tác động lớn đến công tác thu ngân sách của ngành hải quan. 10 tháng qua, toàn ngành hải quan thu nộp NSNN đạt 302.394 tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán, giảm 17%.

10 tháng qua, hầu hết các đơn vị có số thu lớn của ngành hải quan đều giảm số thu. 10 cục hải quan tỉnh, thành phố có số thu lớn đạt 264.081 tỷ đồng, bằng 70,92% dự toán, giảm 15,17% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: Cục Hải quan Đồng Nai giảm 22,96%; Cục Hải quan Thanh Hóa giảm 22,85%; Cục Hải quan Bình Dương giảm 20,32%; Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 19,07%; Cục Hải quan Hải Phòng giảm 18,38%...

Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Điển hình như: Nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất chiếm 56,8% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế nhưng kim ngạch giảm 18,8%, làm giảm thu ngân sách khoảng 32.800 tỷ đồng. Nhóm xăng dầu nhập khẩu mặc dù tăng cả về lượng và trị giá nhưng vẫn làm giảm thu khoảng 765 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tác động ưu đãi về thuế suất nhập khẩu xăng từ thị trường ASEAN là 5%, dầu DO và dầu FO là 0%. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) chủ yếu nhập từ ASEAN thay vì từ Hàn Quốc với mức thuế suất xăng là 8% cũng góp phần làm giảm thu. Nhóm dầu thô nhập khẩu tăng 11,6% về lượng nhưng giảm 10% về trị giá, dẫn đến làm giảm thu khoảng 1.700 tỷ đồng. Nhóm ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm 19,7% về lượng và giảm 17,1% về trị giá, làm giảm thu khoảng 150 tỷ đồng…

Triển khai các giải pháp, tập trung chống thất thu ngân sách

Trong bối cảnh đó, để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN ở mức cao nhất, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị theo dõi sát tình hình thu và các tác động ảnh hưởng đến thu ngân sách như: Việc thực hiện FTAs; sự biến động của giá dầu; sự biến động của kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế; các khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, các cam kết hội nhập quốc tế, kịp thời đề xuất, báo cáo lãnh đạo Tổng cục.

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu NSNN.

Đồng thời, thường xuyên đánh giá tình hình thu NSNN, rà soát nắm vững nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu đạt mức cao nhất trong thực hiện dự toán thu năm 2023.

Tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát; kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ... kiên quyết không để xảy ra tình trạng thất thu.

Rà soát, thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt. Thực hiện kiểm tra, tham vấn trị giá trong khi làm thủ tục hải quan, kiểm tra trị giá sau thông quan đối với những mặt hàng và DN có rủi ro khai báo sai về trị giá nhằm xác định đúng trị giá hải quan, trị giá tính thuế...

Phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, tổ chức thực hiện thu hồi và xử lý nợ thuế. Tăng cường kiểm ra, rà soát, xử lý đúng đối tượng miễn thuế, không chịu thuế. Kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan để báo cáo Bộ Tài chính có văn bản trao đổi với các Bộ chuyên ngành nếu có vướng mắc trong thực hiện thủ tục miễn thuế.

Kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa, tổ chức thực hiện hoàn thuế nhập khẩu, xử lý tiền thuế nộp thừa đúng quy định. Phối hợp với cơ quan thuế nội địa và các lực lượng khác, đảm bảo việc hoàn thuế giá trị gia tăng đúng đối tượng, đúng quy định. Đặc biệt, khẩn trương rà soát số thuế phải hoàn của năm 2023, thực hiện hoàn thuế đúng đối tượng quy định, chậm nhất trong tháng 12/2023./.

Cùng chuyên mục
Phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách