
Tài chính khí hậu quốc tế là một phần trong chương trình viện trợ phát triển chính thức của Phần Lan do Bộ Ngoại giao Phần Lan quản lý. Cuộc kiểm toán của NAOF đã xem xét các điều kiện tiên quyết đối với hoạt động của Bộ nhằm đảm bảo tính hiệu quả của tình hình tài chính khí hậu. Báo cáo của NAOF xem xét, đánh giá các biện pháp đã được thực hiện dựa trên kiến nghị và kết luận được trình bày trong các báo cáo kiểm toán từ những năm gần đây.
Cuộc kiểm toán chỉ ra rằng, Bộ Ngoại giao Phần Lan không có kế hoạch công khai về số lượng, sự phân bổ và tính hiệu quả của nguồn tài chính khí hậu đang ngày càng tăng. Việc chỉ đạo tài chính khí hậu đã được phân cấp cho một số đơn vị của Bộ mà không có sự phối hợp chung. Nguồn nhân lực của Bộ để chỉ đạo tài chính khí hậu rất ít, khiến chất lượng công tác chỉ đạo chưa cao và gây ra nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, các dữ liệu thống kê và công tác báo cáo về tình hình tài chính khí hậu dễ bị sai sót. Thông tin về tính hiệu quả của tài chính khí hậu một phần không nhất quán và không đầy đủ, gây khó khăn trong việc nhìn nhận một cách tổng quan về vấn đề này. Bộ cũng sử dụng tương đối ít thông tin về kết quả tài chính khí hậu trong quá trình ra quyết định, đánh giá, báo cáo và truyền thông…
NAOF đã đưa ra một số kiến nghị cho Bộ Ngoại giao nhằm cải thiện việc chỉ đạo và hiệu quả của công tác quản lý tài chính khí hậu. Các hành động quan trọng nhất được thực hiện theo các kiến nghị là lập kế hoạch thực hiện tài chính khí hậu quốc tế công của Phần Lan (năm 2022) và ủy quyền đánh giá bên ngoài về tài chính khí hậu (năm 2023).
Tuy nhiên hiện nay, kế hoạch trên không còn hiệu lực và hầu như chưa được triển khai. Dựa trên các kiến nghị, Bộ Ngoại giao đã lập văn bản chỉ đạo về tài chính khí hậu. Tuy nhiên, văn bản chỉ đạo này vẫn chưa có tác động nào đáng kể. Đối với các kiến nghị khác, Bộ vẫn chưa có quyết định quan trọng nào nhằm cải thiện hiệu quả của tình hình tài chính khí hậu.
NAOF cho rằng, Bộ Ngoại giao Phần Lan đã thực hiện một phần kiến nghị được đưa ra trong báo cáo kiểm toán nhằm phát triển kế hoạch hoạt động và ra quyết định liên quan đến tài chính khí hậu bằng cách cập nhật các hướng dẫn về tài chính khí hậu và tổ chức đào tạo nhân sự liên quan đến các hướng dẫn này. Tuy nhiên đến nay, NAOF chưa thu thập được thông tin nào về hiệu quả của các hành động này.
Bộ Ngoại giao cho biết, Bộ đã thực hiện các kiến nghị về việc xây dựng số liệu thống kê và báo cáo về tài chính khí hậu bằng cách cập nhật các hướng dẫn thống kê, tăng cường vai trò của cố vấn về khí hậu, môi trường trong việc đảm bảo chất lượng số liệu thống kê; bằng cách tăng cường báo cáo về tài chính khí hậu trong báo cáo kết quả chính sách phát triển.
Bộ cũng đã thực hiện các kiến nghị được đưa ra trong báo cáo kiểm toán bằng cách tăng cường nguồn lực của đơn vị tài chính phát triển và hợp tác khu vực tư nhân. Tuy nhiên, sự phối hợp chung về tài chính khí hậu vẫn chưa được cải thiện theo kiến nghị. Ngoài ra, phần lớn các mục tiêu định lượng được đặt ra cho tài chính khí hậu trong kế hoạch thực hiện cũng như các kế hoạch hoạt động và tài chính có liên quan của Bộ mới chỉ đạt được đến năm 2022, sau đó không còn hiệu quả nữa.
Việc phân bổ tài chính khí hậu bình đẳng giúp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn chưa được thực hiện; mục tiêu này hầu như đã bị từ bỏ ở Phần Lan. Mục tiêu chia sẻ 75% tài chính khí hậu trong nguồn tài trợ trong Kế hoạch đầu tư chính sách phát triển 2020-2023 cũng không đạt được.
NAOF cho biết, trong tương lai, NAOF sẽ tiếp tục tăng cường giám sát tình hình tài chính khí hậu quốc tế của Phần Lan như một phần của kế hoạch giám sát và kiểm toán thông thường của tổ chức./.
(Theo NAOF)