Chính phủ Pháp khởi động cuộc kiểm toán đối với EDF vào tháng 7/2019 trước những quan ngại về tình trạng thiếu hụt điện năng trầm trọng tại Pháp và những chậm trễ xoay quanh các dự án điện hạt nhân trọng yếu của quốc gia.
Được biết, Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Flamanville 3 của EDF hiện vẫn đang trong quá trình thi công tại vùng Manche - miền Bắc nước Pháp, được cho là đã chậm 7 năm so với dự kiến và đã chi vượt ngân sách dự tính 1,5 tỷ Euro. Khi khởi động Dự án vào năm 2007, EDF dự tính sẽ hoàn thành Dự án vào năm 2012, song có vẻ như Dự án này sẽ chỉ được hoàn thành sớm nhất vào năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire gọi đây là một “thất bại không thể chấp nhận được” không chỉ của riêng EDF mà của toàn bộ ngành công nghiệp điện hạt nhân Pháp. “Chúng ta phải thừa nhận thất bại này và xem xét, giải quyết những hậu quả liên quan” - Bộ trưởng Bruno Le Maire cho biết.
Giám đốc Điều hành EDF Jean Bernard Levy sẽ có một tháng để đệ trình các đề xuất của mình trong việc giải quyết các vấn đề gây ra sự chậm trễ trong việc triển khai Dự án Điện hạt nhân quan trọng này.
EDF là đơn vị đầu tiên tại Pháp đưa công nghệ Lò phản ứng áp lực châu Âu (EPR) vào ứng dụng. Theo EDF, công nghệ EPR thế hệ thứ ba có thể cung cấp điện năng cho 1,5 triệu người, có khả năng tiết kiệm 17% nhiên liệu và về lâu dài tạo ra ít rác thải phóng xạ. Công nghệ mới này được EDF bán lại cho Anh và Phần Lan. Hiện nay, công nghệ EPR đang được áp dụng tại hai nhà máy điện hạt nhân là Hinkley Point của Anh và Olkiluoto của Phần Lan. Song cả hai dự án này cũng được cho là chậm trễ và vượt dự toán ban đầu hơn 3 tỷ USD. Sự chậm trễ này phần nào ảnh hưởng tới danh tiếng của Chính phủ Pháp với tư cách là nhà cung cấp công nghệ mới.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Môi trường Pháp Elisabeth Borne cho biết, Bộ sẽ không thông qua một kế hoạch xây dựng lò phản ứng mới cho tới khi EDF chứng minh được hiệu quả của việc vận hành công nghệ EPR.
NGỌC QUỲNH
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 07-11-2019