Chuyển biến ở huyện nghèo…
Tú Lý từng là một xã khó khăn thuộc huyện nghèo Đà Bắc. Tìm về xã những ngày cuối tháng 6 vừa qua, nhiều ngôi nhà xây mới khang trang, hiện đại được mọc lên, những con đường đất nay đã được bê tông hóa, được tô điểm bằng màu xanh của ruộng đồng... đã phần nào cho thấy diện mạo đổi khác nơi đây; cũng như phản ánh sức sống mới của mảnh đất, con người từng nhiều thập niên sống trong cảnh đói nghèo…
Tú Lý là một trong những ví dụ điển hình cho nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân Đà Bắc, với sự hỗ trợ của Trung ương và sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương các cấp trong huyện.
Theo Bí thư huyện ủy Đà Bắc Bùi Văn Luyến, thời gian qua, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động chung của thế giới và trong nước, đặc biệt là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… khiến cho đời sống của người dân trên địa bàn huyện vốn khó, nay lại càng thêm khó.
Là một trong những huyện nghèo đặc biệt khó khăn của cả nước, huyện đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án từ nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn của tỉnh đối với hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là cơ sở trường học, hạ tầng giao thông. Nhiều công trình được đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, như đường tỉnh 433, đường thị trấn Đà Bắc đi xã Hiền Lương, thị trấn Đà Bắc đi huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).
Ngoài ra, nhiều tuyến đường mới có ý nghĩa quan trọng đã, đang được triển khai, hứa hẹn tạo nên sức bật mới để Đà Bắc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong tương lai. Điển hình như đường từ xã Hiền Lương đi xã Tiền Phong, đường ngã ba Ênh, xã Tân Minh đi xã Yên Hòa, đường liên kết vùng, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua huyện...
Chia sẻ thêm về những chuyển biến của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Lường Văn Thi cho biết, xác định chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, huyện đã chú trọng và lồng ghép các nguồn lực để tập trung đào tạo kỹ năng, tay nghề cho người lao động. Đến nay, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động của huyện giảm mạnh, từ 60% (năm 2020) còn 27,76% (năm 2022), năm 2023 ước còn 25,03%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ hơn 53% (năm 2020) lên gần 62% (năm 2022)...
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo tại huyện áp dụng chuẩn nghèo đa chiều là 35,2%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29,5 triệu đồng (năm 2020) lên 40 triệu đồng (năm 2023). Ngoài ra, đời sống văn hóa có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo.
Huy động tối đa nguồn lực giúp huyện nghèo bứt phá
Huyện Đà Bắc là một trong 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh trên cả nước giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Những năm gần đây, huyện được ưu tiên đầu tư nhiều chương trình, dự án quan trọng, góp phần tạo thêm nguồn lực phát triển cho địa phương.
Trong đó, trọng tâm là 3 chương trình mục tiêu quốc gia: chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Theo Chủ tịch UBND xã Tú Lý Đinh Thanh Xuân, nhờ có nguồn lực hỗ trợ của các chương trình, trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng vào việc đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống của người dân trong xã.
“Xã đã về đích nông thôn mới vào năm 2018, hiện đang thực hiện lộ trình cụ thể nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao” - ông Xuân cho biết.
Tại buổi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, tại xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, cùng với việc đề nghị tỉnh xem xét, bố trí nguồn lực phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhiều cử tri cũng kiến nghị bố trí kinh phí sớm để đảm bảo hiệu quả, tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Trong đó, đối với chương trình mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững, cử tri cho rằng, hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc về triển khai thực hiện chương trình còn chưa thống nhất, đồng bộ với các quy định khác, dẫn đến địa phương khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Mặt khác, cử tri đề nghị Các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá tác động việc thực hiện chính sách; tích hợp, sửa đổi theo hướng tập trung, gọn đầu mối, tránh dàn trải nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách…
Dưới sự điều hành của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh đã thẳng thắn trao đổi, trả lời câu hỏi của cử tri.
Qua đó đều khẳng định, Trung ương và tỉnh luôn ưu tiên và dành nguồn lực tối đa cho phát triển kinh tế - xã hội huyện Đà Bắc; đồng thời tiếp tục xem xét, điều chỉnh việc thực hiện chính sách cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực. Mục tiêu là góp phần giảm nghèo, tiến tới nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
“Để thoát nghèo, chỉ trông chờ hỗ trợ là chưa đủ, mà bản thân mỗi người dân, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng cần nêu cao trách nhiệm, phải tận dụng nguồn lực để thúc đẩy hiệu quả sản xuất, làm giàu cho gia đình, xã hội” - đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết./.