Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện để trình Chính phủ ký ban hành nhằm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hướng tới quản lý hộ kinh doanh hiệu quả
Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, Hiến pháp năm 1992 ghi nhận quyền tự do kinh doanh của công dân Việt Nam là bước ngoặt lớn cho sự ra đời, phát triển hộ kinh doanh. Theo thời gian, pháp luật về hộ kinh doanh đã từng bước được hoàn thiện nhưng thực tiễn vẫn tiếp tục bộc lộ những bất cập. Do đó, Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh đang tiếp tục được xây dựng để tạo khung khổ pháp lý với những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về hộ kinh doanh, đặc biệt là về đăng ký hộ kinh doanh.
Chia sẻ về sự cần thiết phải ban hành Nghị định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc quy định về đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh tại một Nghị định riêng thể hiện sự quan tâm, đánh giá cao của Chính phủ về vai trò của hộ kinh doanh, qua đó khích lệ người dân đầu tư thành lập hộ kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký hộ kinh doanh, tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh hoạt động.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông cũng cho rằng, việc bổ sung chính sách cho các hộ kinh doanh cũng nhằm xây dựng được cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh và quản lý hộ kinh doanh hiệu quả. Đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao năng lực cho hộ kinh doanh về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, năng lực quản lý, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt...
Bởi nhìn từ khung pháp luật hiện nay, hộ kinh doanh được quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký DN, với một số hạn chế về quyền kinh doanh do không có tư cách pháp nhân, như: Chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của hộ kinh doanh; hạn chế đối tác kinh doanh (không được xuất hóa đơn VAT); không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện; giới hạn về một số ngành nghề kinh doanh (tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản...). Nhưng nhìn tổng thể, hộ kinh doanh đang có lợi thế hơn so với các loại hình DN khác về đối tượng thành lập; hồ sơ; thủ tục thành lập; tổ chức quản lý; chế độ kế toán; tài chính; nộp thuế; bảo hiểm xã hội; chế độ công bố thông tin...
Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phát triển DN (Bộ KHĐT) cũng nêu thực tế, nhiều hộ kinh doanh còn thiếu tự giác trong đăng ký kinh doanh, khai báo thuế, thay đổi lao động, thay đổi mặt hàng đăng ký kinh doanh, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động mà không khai báo với cơ quan chức năng, không thực hiện đầy đủ về bảo hiểm xã hội cho người lao động; không đảm bảo điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, điều kiện kinh doanh thực phẩm...
Tổng hợp các vấn đề tồn tại, vướng mắc trong thi hành quy định về hộ kinh doanh cần khắc phục, Bộ KHĐT cho rằng, phải sửa đổi, bổ sung 7 nội dung, bãi bỏ 4 nội dung, quy định mới về đăng ký hộ kinh doanh; đồng thời sửa đổi, bổ sung 9 thủ tục hành chính, quy định mới 12 thủ tục hành chính đối với hộ kinh doanh.
Lấp “khoảng trống” trong hỗ trợ hộ kinh doanh
Trao đổi về những “khoảng trống” trong chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, bà Bùi Thu Thủy chỉ rõ, hiện nay, chưa có quy định cụ thể nào hỗ trợ hộ kinh doanh ngoài các quy định về tuân thủ chế độ thuế, kế toán phù hợp với quy mô và tính chất hoạt động. Tuy Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP đã có những quy định cụ thể nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN, như: Hướng dẫn, tư vấn miễn phí về trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập DN, miễn lệ phí môn bài trong 3 năm đầu; hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán; hỗ trợ thủ tục đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện...
Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ này chưa đủ hấp dẫn để thúc đẩy các hộ kinh doanh có mong muốn chuyển đổi, vì thực tế, động lực để duy trì mô hình hộ kinh doanh là do chi phí thực tế tuân thủ thuế, kế toán, thủ tục hành chính đơn giản và thấp hơn mô hình DN. Do vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định về lao động và bảo hiểm, thuế thu nhập DN… để phát huy vai trò của hộ kinh doanh; tăng cường việc quản lý hộ kinh doanh để chính thức đăng ký hoạt động; sửa đổi, bổ sung các chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh phát triển lên DN.
Theo Bộ KHĐT, cần phải sửa đổi quy định đăng ký hộ kinh doanh. Bởi theo quy định hiện hành thì hộ kinh doanh đang có tới 2 mã số, gồm: “Mã số đăng ký hộ kinh doanh” do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp và “mã số hộ kinh doanh” do Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế tự động truyền sang Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh - đây cũng là mã số thuế của hộ kinh doanh, trong khi việc xác định hộ kinh doanh chỉ cần dùng một mã số duy nhất để tránh nhầm lẫn.
Để đáp ứng yêu cầu liên thông giữa thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế thì mã số duy nhất của hộ kinh doanh phải được cả cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế sử dụng chung. Do đó, Bộ KHĐT đề xuất, phương án tốt nhất là dùng mã số thuế của hộ kinh doanh làm mã số hộ kinh doanh, tương tự như quy định với DN và hợp tác xã hiện nay.
Ngoài quy định trên, chia sẻ thêm về những điểm mới của Dự thảo Nghị định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Sẽ bỏ thủ tục đăng ký thay đổi chủ hộ kinh doanh do mua bán, tặng cho, thừa kế hộ kinh doanh; bổ sung thêm 2 phương án đăng ký hộ kinh doanh (qua dịch vụ bưu chính và trên môi trường điện tử); bổ sung một số quy định về đăng ký thành lập, thay đổi nội dung, tạm ngừng, tiếp tục hoạt động, chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh; quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh trong một số trường hợp đặc biệt./.