Phát huy nguồn lực văn hóa - du lịch, tạo động lực phát triển đất nước

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa, việc khai thác hiệu quả các di sản văn hóa để thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa, du lịch là nhiệm vụ, giải pháp cần được chú trọng nhằm khơi dậy “sức mạnh mềm” của văn hóa, theo đúng định hướng của Đảng. Chuyên gia kinh tế, PGS,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đã có trao đổi với Báo Kiểm toán về vấn đề này.

13-pgs-tran-dinh-thien-1.jpg
PGS,TS. Trần Đình Thiên

Trong các văn kiện của Đảng đã dành sự quan tâm nhất định đến phát triển công nghiệp văn hóa. Ông có đánh giá ra sao về cách tiếp cận, phát huy nguồn lực văn hóa của nước ta hiện nay?

Việc thừa nhận văn hóa là một nguồn lực phát triển, là bước tiến quan trọng trong nhận thức lý luận về phát triển. Gần đây, Việt Nam - nền kinh tế “đi sau” đã chuyển hướng mạnh mẽ đường lối phát triển, trong đó nhấn mạnh vai trò động lực phát triển (kinh tế - xã hội) của nguồn lực văn hóa với tư cách là một “sức mạnh mềm”, đồng thời xác nhận sự tồn tại của một ngành công nghiệp đặc thù: “Công nghiệp văn hóa”. Những ghi nhận này bao hàm nhiều vấn đề đáng chú ý.

Thứ nhất, sự chuyển hướng trên cho thấy dù “đi sau”, Việt Nam đã tiếp cận quỹ đạo phát triển của thế giới hiện đại ở tầng cao, “tận dụng lợi thế đi sau để tiến vượt”. Về nguyên tắc và kinh nghiệm thế giới cho thấy, cách tiếp cận chiến lược này là có tính khả thi.

Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, từ nhiều thế kỷ, đã lấy văn hóa làm động lực phát triển, coi hoạt động văn hóa là ngành “công nghiệp”, giúp “dân giàu, nước mạnh” một cách hiệu quả. Tây Âu là địa chỉ hút khách du lịch hàng đầu thế giới chính là nhờ biết bảo tồn và phát huy di sản lịch sử - văn hóa “đẳng cấp quý tộc”. Hàn Quốc trỗi dậy đặc biệt hiệu quả với chiến lược phát triển văn hóa độc đáo, coi văn hóa bản sắc là một trong những trục quan trọng bậc nhất của chiến lược phát triển quốc gia nói chung và kinh tế nói riêng...

Thứ hai, truyền thống lịch sử - văn hóa của Việt Nam có nhiều nét đặc thù - đặc sắc. Hiện nay, Việt Nam đang định hình khối “tài nguyên chiến lược” - nguồn nội lực to lớn này, chuyển hóa nó thành động lực phát triển hiện thực, theo cách tích hợp “hiện đại và truyền thống”, “mở cửa - hội nhập quốc tế”. Việc tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển văn hóa sẽ giúp chúng ta định hình cách tiếp cận và phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển đất nước.

Xin ông cho biết cơ hội và thách thức trong tiến trình phát triển văn hóa - du lịch mà chúng ta cần nhận diện rõ để khắc phục?

Việt Nam là quốc gia đi sau, đang bắt nhịp vào xu hướng phát triển văn hóa, du lịch một cách ngày càng chủ động và tích cực, dựa trên những lợi thế mà nước ta sở hữu.

Thứ nhất, Việt Nam có nguồn di sản lịch sử - văn hóa cực kỳ phong phú, đa dạng, với hơn 50 dân tộc, được tích lũy qua bề dày dựng nước, giữ nước và phát triển hàng nghìn năm. Lợi thế này, nếu được kết hợp tốt với lợi thế tài nguyên tự nhiên, có thể tạo thành những điều kiện tiền đề tốt để đẩy mạnh phát triển một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa, nổi bật là du lịch (du lịch lịch sử - văn hóa - tâm linh).

Thứ hai, Việt Nam là tọa độ hội tụ, giao thoa và tiếp biến của nhiều nền văn hóa trên thế giới và khu vực. Địa danh “Indochine” phần nào bộc lộ tính đặc sắc phát triển này của Việt Nam trong sự nối kết với các nước Đông Dương khác, theo mạch của nền văn hóa Sông Mekong độc đáo ở tầm thế giới.

Thứ ba, đặc tính dân tộc Việt Nam là thân thiện, lòng khoan dung và sự cởi mở. Đặc tính này giúp Việt Nam hòa nhập tốt với thế giới, dễ dàng tiếp cận và tiếp nhận các dòng chảy văn hóa, đón nhận các dòng tư tưởng và phát minh của nhân loại. Với độ mở kinh tế cao và hiện tham gia tới 16 hiệp định thương mại tự do đang tạo tiền đề quan trọng cho nước ta hội nhập - cất cánh.

Thứ tư, lợi thế đi sau kết hợp với khát vọng đua tranh phát triển mạnh mẽ với thế giới tạo thành sức mạnh cộng hưởng để Việt Nam có thể bắt nhịp nhanh vào quỹ đạo phát triển hiện đại của thế giới. Lợi thế này cho phép Việt Nam không nhất thiết phải phát triển theo logic tuyến tính (tuần tự) mà có thể theo cách phi tuyến tính (nhảy vọt), bỏ qua một số bước (tiến vượt) và rút ngắn thời gian cho các bước đi thông thường. Cách tiếp cận “đẳng cấp” và “khác biệt” trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam hiện nay cần được đúc kết để từ đó phát triển ngành một cách bài bản, hệ thống trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, những bất lợi trong việc phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, du lịch nói riêng của Việt Nam là không nhỏ. Điển hình là tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, phân tán của các di sản lịch sử - văn hóa tại từng địa phương, trên phạm vi cả nước. Sự thiếu liên kết càng làm cho các nguồn lực để phát triển ngành với tư cách hệ thống càng mỏng và yếu...

Mặt khác, chúng ta chưa định hình hệ thống cấu trúc ngành công nghiệp văn hóa trong quan hệ với toàn bộ nền kinh tế và với các nhóm ngành khác của nền kinh tế. Các điều kiện vật chất - kỹ thuật, điều kiện về nhân lực cần thiết để phát triển nền công nghiệp văn hóa “đẳng cấp” và “khác biệt” còn thiếu thốn... Việc xác định các yếu tố bất lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp mới, về nguyên tắc hàm nghĩa những nhiệm vụ phải được đặt ra để giải quyết kịp thời.

Ông có lưu ý gì để thúc đẩy phát triển văn hóa - du lịch trong vai trò là một ngành công nghiệp - bao hàm cả trọng trách mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách?

Phát triển công nghiệp văn hóa cũng nhằm góp phần phát triển kinh tế. Khi nói đến phát triển kinh tế là nói đến nhu cầu và đáp ứng nhu cầu. Do đó, để phát triển văn hóa - du lịch, trên cơ sở các di sản đã có, phải tạo ra những điều kiện phù hợp để chúng có thể nhập cuộc vào đời sống hiện đại, biến thành nguồn lực phát triển thực tế, có năng lực tạo việc làm, tạo ra tiền của, mang lại thu nhập cho cộng đồng xã hội và dân cư. Đó là những điều kiện - yếu tố bắt buộc cho sự ra đời của ngành công nghiệp văn hóa, như: Khách sạn hiện đại, hệ thống giao thông kết nối, đặc biệt là hàng không và các loại hình vận tải tốc độ cao, hệ thống kết nối mạng - số toàn cầu, nguồn nhân lực chất lượng cao, đô thị sinh thái và an toàn, hệ thống thể chế quản trị hiện đại…

Có những điều kiện đó, “di sản văn hóa” mới trở thành tài sản kinh tế, thành nguồn lực “sống”, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và liên kết phát triển theo cơ chế thị trường hiện đại, phát huy đầy đủ “công năng” và giá trị để phục vụ nhu cầu “khám phá và tận hưởng” của con người.

Đây là “giới hạn sàn” của ngành công nghiệp văn hóa hiện đại mà các nước đi sau, trong đó có Việt Nam cần định hình rõ để vượt thoát tình trạng “đi sau - đi theo - tụt hậu phát triển” như thường thấy khi phát triển một ngành công nghiệp mới, hiện đại và “đẳng cấp”.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
Phát huy nguồn lực văn hóa - du lịch, tạo động lực phát triển đất nước