ADB dành hơn 17 tỷ USD cho Việt Nam thông qua trên 500 chương trình, dự án

Đến nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã dành hơn 17 tỷ USD cho Việt Nam thông qua trên 500 chương trình, dự án trong nhiều lĩnh vực.

adb.jpg
Quang cảnh buổi làm việc giữa Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà và Phó Chủ tịch ADB Bruce Gosper.
Ảnh: sbv.gov.vn

Tại buổi tiếp và làm việc với ông Bruce Gosper - Phó Chủ tịch ADB phụ trách về Quản lý Hành chính và Quản trị ngày 23/02, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết: Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo mà Việt Nam đã đạt được trong hơn 30 năm qua có sự đóng góp rất quan trọng của các nhà tài trợ quốc tế, trong đó có ADB. NHNN mong muốn ADB sẽ tiếp tục là đối tác tích cực trên con đường phát triển tiếp theo của Việt Nam.

Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, trong hai tháng đầu năm 2023, kinh tế tiếp tục đà phục hồi của năm 2022. Tăng trưởng trong thời gian tới tiếp tục được dự báo khả quan do mở cửa nền kinh tế, tác động tích cực từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) được triển khai sâu rộng.

Tuy nhiên, những thách thức - những “cơn gió ngược” - vẫn còn đó: Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại làm giảm cầu của những nước đối tác và thị trường chính của Việt Nam, tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo; lạm phát tiếp tục có xu hướng tăng… Do vậy, cần có giải pháp hết sức thận trọng để điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát. Mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra trong năm 2023 là tăng trưởng khoảng 6,5%.

Trong bối cảnh đó, Phó Thống đốc vui mừng khi quan hệ hợp tác giữa ADB với Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng có hiệu quả và ngày càng phát triển. ADB là một trong những nhà tài trợ hàng đầu trong việc cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho Việt Nam.

Đến nay, ADB đã dành hơn 17 tỷ USD cho Việt Nam thông qua hơn 500 chương trình, dự án trong nhiều lĩnh vực. Các chương trình, dự án này đều được xây dựng gắn với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong từng thời kỳ, tập trung trên nhiều lĩnh vực quan trọng như kết nối giao thông, phát triển đô thị, cải thiện tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế có chất lượng cao, hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu và tăng tính bền vững môi trường, giúp hội nhập mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà mong muốn ADB sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, thực hiện các cam kết tại COP26; các lĩnh vực đổi mới sáng tạo như chuyển đổi số, số hóa hoạt động ngân hàng, kết nối thanh toán…

Ông Bruce Gosper chia sẻ: ADB vui mừng vì được đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; đồng thời cảm ơn sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ của Chính phủ và NHNN. Việt Nam là đối tác chính và quan trọng của ADB cùng tham gia vào xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng trên toàn cầu và sự phát triển của chế biến, chế tạo, công nghệ cao…

Phó Chủ tịch ADB nhấn mạnh, năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng ADB tại Việt Nam (VRM) và khẳng định ADB sẽ tiếp tục đồng hành, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới./.

Cùng chuyên mục
ADB dành hơn 17 tỷ USD cho Việt Nam thông qua trên 500 chương trình, dự án