Lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đến nhiều địa phương
Có thể nói, 20 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết 23 đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương trên cả nước triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, mang lại những kết quả thiết thực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh ở mỗi địa phương, cũng như cả nước.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, sau khi Nghị quyết 23 được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã ban hành kế hoạch và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh ĐĐKTDT và quyền làm chủ của nhân dân Thủ đô.
“Việc xây dựng ĐĐKTDT đã góp phần bảo đảm sự ổn định, đồng thuận trong xã hội. Kinh tế - xã hội của Thủ đô phát triển nhanh, bền vững. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được bảo đảm; thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được giữ vững” - bà Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ.
Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho biết, trong quá trình lãnh đạo, Tỉnh ủy Ninh Thuận luôn vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐĐKTDT, nhất là việc tập hợp, phát huy sức mạnh ĐĐKTDT.
Với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, bản lĩnh khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, chuyển hướng chiến lược cùng sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Ninh Thuận đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo, Ninh Thuận đã vươn lên thành tỉnh có thu nhập trung bình và tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Huỳnh Đảm đánh giá, Nghị quyết 23 rất quan trọng, có tác động sâu sắc đến hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và trên các lĩnh vực, qua đó tạo ra nhận thức, chuyển biến mới trong hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương, giúp tập hợp, phát huy sức mạnh ĐĐKTDT; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Nghị quyết đã góp phần hết sức quan trọng làm nên những thành tựu có ý nghĩa to lớn trong 20 năm qua. Đặc biệt, hai năm gần đây, có thể cảm nhận sâu sắc, nhờ tinh thần ĐĐKTDT, chúng ta vượt qua đại dịch Covid-19.
Tiếp tục phát huy mặt trận đoàn kết toàn dân tộc
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam - cho rằng, sức mạnh ĐĐKTDT có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ. Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt.
Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở.
Cùng với đó, một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân... Những điều này tác động đến việc tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối ĐĐKTDT.
Ông Chiến cho rằng, để tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, giai đoạn tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt các quan điểm cơ bản, trong đó có quan điểm “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh ĐĐKTDT và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Vì vậy, chúng ta phải đánh giá toàn diện, đầy đủ, thực chất những kết quả đạt được trong thực hiện chủ trương của Đảng về ĐĐKTDT nói chung, thực hiện Nghị quyết 23 nói riêng. Trên cơ sở đó, tiếp tục thống nhất chủ trương, quan điểm và đề xuất hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng về phát huy sức mạnh ĐĐKTDT trong thời gian tới.
Từ thực tiễn địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Minh Trung đề nghị, T.Ư Đảng cần ban hành Nghị quyết về phát huy sức mạnh ĐĐKTDT vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh phù hợp với tình hình hiện nay.
Chính phủ quan tâm ban hành chính sách phù hợp nhằm giải quyết vấn đề thiếu đất, thiếu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên; có giải pháp, chính sách giải quyết dứt điểm vấn đề đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số đã đưa vào các nông, lâm trường quốc doanh, nay thực hiện cổ phần hóa, nhằm đảm bảo, ổn định tình hình an ninh chính trị của vùng, trong đó có tỉnh Đắk Lắk.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng, việc thực hiện những mục tiêu của Nghị quyết 23 hiện nay đang đứng trước các thách thức chưa từng có. Vì vậy, việc phát huy sức mạnh ĐĐKTDT không chỉ dừng lại ở việc ban hành Nghị quyết mới về vấn đề này mà còn cần tiếp tục tăng cường, mở rộng phát huy vai trò của các thành viên MTTQ./.
Tinh thần đại đoàn kết phải thấm sâu trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân; cần phải nắm được đặc điểm, tình hình của từng giai tầng trong xã hội, từ đó có cơ chế, chính sách quan tâm đúng, kịp thời, để trong mọi hoàn cảnh, mọi lĩnh vực phát huy được sức mạnh đại đoàn kết.
Ông Huỳnh Đảm - nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam