Sản xuất hóa chất - một ngành công nghiệp quan trọng - Ảnh minh họa: hoachatcongnghiep |
Hóa chất là ngành công nghiệp quan trọng
Tính đến năm 2020, toàn ngành công nghiệp hóa chất có khoảng 1.818 doanh nghiệp sản xuất phân bổ trên 6 vùng trong cả nước. Trong đó có 894 doanh nghiệp sản xuất phân bón (chiếm 49%), 106 doanh nghiệp sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật (chiếm 6%), 14 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hóa dầu (chiếm 1%), 68 doanh nghiệp sản xuất hóa chất cơ bản (chiếm khoảng 4%)… Hiện có khoảng 2,7 triệu lao động trong đó có 725.000 lao động trực tiếp tham gia sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất. |
Theo Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh, tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp, lực lượng lao động chiếm gần 10% và có năng suất lao động cao 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp do có mức độ tự động hoá khá cao.
Theo tính toán, sau khi các dự án đang triển khai hoàn thành và hoạt động ổn định, giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp hóa chất chiếm tỷ trọng từ 13-14% toàn ngành công nghiệp.
Thực tế cho thấy, công nghiệp hóa chất đòi hỏi quy mô đầu tư rất lớn, yêu cầu công nghệ cao, nghiêm ngặt và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp còn hạn chế về tiềm lực kinh tế, đầu tư nhỏ lẻ, dàn trải, thiếu công nghệ nguồn.
Ở nhiều địa phương, sự nhìn nhận về vai trò, tầm quan trọng của phát triển công nghiệp hóa chất chưa đầy đủ, lo ngại nguy cơ ô nhiễm và nguy hiểm, dẫn đến chủ trương phát triển của nhiều địa phương là không thu hút đầu tư công nghiệp hóa chất, thay vào đó là một số ngành nghề dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo khác.
Những quan niệm trên gây khó khăn cho các nhà đầu tư, cản trở sự phát triển của công nghiệp hóa chất. Trong khi đó, công nghiệp hóa chất là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, làm tiền đề hỗ trợ cho nhiều ngành công nghiệp cũng như cung cấp các sản phẩm thiết yếu quan trọng khác.
Một rào cản nữa hiện nay là công tác quản lý ngành chưa hiệu quả, thiếu thông tin và cơ chế phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan trung ương, địa phương chưa đảm bảo thông suốt nên nhiều trường hợp doanh nghiệp, nhà đầu tư không nắm bắt được thông tin.
Do đó, Cục Hóa chất đang triển khai xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam. Dự kiến, Chiến lược sẽ có đủ thông tin dữ liệu của mỗi phân ngành, những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý và phát triển ngành - ông Thanh cho biết.
Tìm hướng đi và giải pháp cho ngành công nghiệp hóa chất
Một tín hiệu đáng mừng được ghi nhận là những năm gần đây, ngành hóa chất có sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần kinh tế, nhiều dự án quy mô lớn. Điều đó cho thấy nhu cầu của thị trường và chính sách hấp dẫn của Nhà nước đối với phát triển công nghiệp và công nghiệp hoá chất.
Một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành công nghiệp hóa chất - Ảnh minh họa: PVFCCo |
Trao đổi với các Hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất và các đơn vị chức năng liên quan, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, đóng góp của ngành công nghiệp hóa chất còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.
Một trong những bất cập được chỉ ra là ngành công nghiệp hóa chất chưa tận dụng tối ưu nguồn tài nguyên, nguyên liệu trong nước dẫn tới chưa làm chủ được thị trường nội địa. Nhiều sản phẩm hóa chất quan trọng phục vụ phát triển sản xuất phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Một phần nguyên nhân là do đặc thù ngành sản xuất hóa chất cần mức đầu tư lớn.
Để phát triển công nghiệp hóa chất trở thành một ngành công nghiệp nền tảng cho phát triển kinh tế đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần phải khẩn trương và tập trung cao để nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành hóa chất Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, xây dựng kế hoạch để phân kỳ tổ chức thực hiện, đặc biệt chú trọng phát triển các lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, bao gồm các sản phẩm hóa chất có nhu cầu lớn, giá trị gia tăng cao, có lợi thế đảm bảo an ninh lương thực, an ninh y tế.
Cùng với đó, cần tập trung nghiên cứu lựa chọn địa điểm dự án phù hợp, đề xuất các ngành, cơ quan chức năng và các địa phương bổ sung trong quá trình quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch quốc gia đối với ngành hóa chất và công nghiệp hóa chất.
Theo quan điểm của Bộ Công Thương, cần thu hút đầu tư theo hướng hình thành các tổ hợp sản xuất kinh doanh hóa chất tập trung, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo yêu cầu về an toàn, môi trường và có tính đến các yếu tố kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu tất yếu đặt ra là phải đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học, công nghệ trong ngành hóa chất, tập trung vào việc sử dụng các sản phẩm phụ, chất thải hiện có của ngành làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất các sản phẩm khác.
Trước thực trạng một số dự án đầu tư, nhà đầu tư vận hành dự án chưa tuân thủ quy định về đầu tư xây dựng và an toàn hóa chất, Bộ Công Thương cũng định hướng sẽ đề xuất xây dựng giải pháp phát triển công nghiệp hóa chất xanh, hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn cho con người. Kèm theo đó là các chính sách để phát triển và quản lý mạng lưới các tổ chức tư vấn đầu tư, hỗ trợ cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về quản lý hóa chất.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Các doanh nghiệp hóa chất cần phát huy nội lực, tích cực phối hợp liên doanh liên kết để tham gia được vào chuỗi sản xuất cung ứng của các tập đoàn lớn trên thế giới. Thông qua các dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp có thể đổi mới công nghệ, nâng cao kỹ năng quản lý… |
P.KHANG