Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh

(BKTO) - Tuy thành lập chưa lâu nhưng các Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) cấp tỉnh đã bước đầu phát huy tốt vai trò của mình trong việc thực hiện một nhiệm vụ quan trọng của Đảng ta. Đó là tích cực, nỗ lực đấu tranh PCTNTC với những kết quả đáng khích lệ…

3-.jpeg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC ngày 10/5. Ảnh: TTXVN

Chủ trương đúng đắn

Từ khi thành lập (năm 2022) đến hết quý I/2023, 63 Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đã tổ chức hàng trăm cuộc họp, qua đó chỉ đạo rà soát, quyết định đưa 327 vụ án, 179 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Nhiều địa phương đã chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý, như: Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Phú Yên, Thái Nguyên...  

Tại Bến Tre, ông Lê Thanh Vân - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy - thông tin, Ban Chỉ đạo tỉnh này đã tập trung xây dựng quy chế làm việc, chương trình công tác, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận tin báo, tố giác, phản ánh liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng thành viên Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo đã tổ chức 4 phiên họp, qua đó, quyết định đưa ra 10 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, nhiều vụ việc sai phạm đã đề nghị chuyển sang cơ quan điều tra xác minh làm rõ.

“Từ khi Ban Chỉ đạo được thành lập đến nay, có thể khẳng định, công tác đấu tranh PCTNTC của tỉnh được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn so với trước đây, tạo được điểm nhấn, lan tỏa tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ” - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Bến Tre chia sẻ.

Còn tại Hà Nội, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Đức cho biết, trong quý I, cơ quan này đã tiếp nhận, xử lý 1.183 đơn, thư; tham mưu phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo Thành ủy về PCTNTC.

Từ tháng 01/2023 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ, 2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án, 864 bị can về tội tham nhũng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022). Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC theo dõi, chỉ đạo, cơ quan chức năng đã khởi tố mới 4 vụ án, 24 bị can, khởi tố thêm 78 bị can trong 11 vụ án; xét xử sơ thẩm 6 vụ án, 51 bị cáo.

Từ sau Phiên họp thứ hai, Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội đã theo dõi, chỉ đạo 47 vụ việc, vụ án. Cũng trong quý I, các cơ quan hành chính của Thành phố đã triển khai 339 cuộc thanh tra, kết luận 201 cuộc và đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 33,9 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm với 61 tập thể và 85 cá nhân…

Theo đánh giá của Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC Phan Đình Trạc, những kết quả Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đạt được trong thời gian qua cho thấy công cuộc PCTNTC không còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, mà “dưới cũng bắt đầu nóng lên”, qua đó khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là hoàn toàn đúng đắn.

Tập trung xử lý các vụ án, vụ việc

Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh thêm: “Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh mới đi vào hoạt động, đang trong quá trình vừa làm, vừa học, vừa hoàn thiện, rút kinh nghiệm nhưng yêu cầu tiên quyết: Ban Chỉ đạo phải là một tập thể mạnh, đoàn kết, gắn bó chặt chẽ. Mỗi thành viên phải hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào”.

Tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC diễn ra vào ngày 10/5 vừa qua, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội; xử lý nghiêm, có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”.

Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC giao địa phương chỉ đạo xử lý và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Cũng tại cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kiểm tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật có nhiều sơ hở, bất cập để tổ chức, cá nhân lợi dụng trục lợi.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC theo dõi, chỉ đạo. Đặc biệt, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất thành lập 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo để kiểm tra chuyên đề việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước tại một số cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh…/.

Cùng chuyên mục
Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh