Củng cố tình đoàn kết, hữu nghị
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, MTTQ Việt Nam đã củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác đi vào chiều sâu với các nước láng giềng và các đối tác truyền thống như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên,.., chủ động mở rộng quan hệ và ký Bản Ghi nhớ với 5 đối tác mới có chức năng, nhiệm vụ tương đồng gồm Singapore, Đức, Nga, Pháp, Hàn Quốc, tích cực tham gia Diễn đàn nhân dân ASEAN, duy trì quan hệ với các tổ chức quốc tế và đại sứ quán các nước tại Việt Nam.
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Tiến Đạt |
Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn Mặt trận các cấp tích cực tham gia công tác vận động đấu tranh dư luận về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, hòa bình, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kêu gọi bạn bè quốc tế ủng hộ công cuộc đổi mới của Việt Nam, nhất là trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông trong những năm gần đây.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Phú Bình - Chủ nhiệm Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, các hoạt động đối ngoại nhân dân không những làm tăng cường quan hệ hữu nghị của Việt Nam với các nước mà còn góp phần củng cố tình cảm và sự gắn kết cộng đồng người Việt ở nước sở tại với quê hương, đất nước. Điều này được thể hiện rất rõ trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, đặc biệt là vào những thời khắc quan trọng. Đơn cử như trong thiên tai, hay đại dịch vừa qua, tấm lòng nhân dân cả nước đều hướng đến vùng lũ miền Trung, hay các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhân dân vùng dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương...
Nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại nhân dân
Khẳng định vai trò quan trọng của đối ngoại nhân dân, những kết quả to lớn mà công tác này đã đạt được trong suốt thời gian qua, gắn liền với vai trò của MTTQ và các thành viên, tại Tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng cần tiếp tục củng cố quan hệ đối ngoại qua nhân dân, có nhiều đổi mới nhằm thúc đẩy quan hệ đối ngoại đặc biệt này trong tình hình mới.
Nhân dân cả nước cùng hỗ trợ, sẻ chia với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhân dân vùng dịch. Trong ảnh, đoàn viên thanh niên KTNN chuyển những phần quà nhỏ, nhưng mang ý nghĩa lớn tới vùng dịch Bắc Giang. Ảnh: N.Lộc |
Theo ông Trần Đắc Lợi - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Đối ngoại và Kiều bào, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ Việt Nam cần mở rộng, củng cố và tăng cường quan hệ đối ngoại, ưu tiên phát triển quan hệ với các tổ chức nhân dân các nước láng giềng, ASEAN.
Trong đó, tích cực ủng hộ xây dựng cộng đồng ASEAN hướng về nhân dân, đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau, hợp tác cùng phát triển, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các nước, giữ vững hòa bình, ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung.
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đối ngoại nhân dân tại địa phương, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội cho biết, trong 10 năm qua, MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đã thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, đóng góp tích cực vào các hoạt động đối ngoại của Thủ đô.
Để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong giai đoạn mới, MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội luôn quan tâm đến yếu tố con người, làm cho mỗi đoàn viên, hội viên, mỗi người dân đều có nếp sống văn minh đô thị, có ý thức tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân trong quan hệ giao tiếp, ứng xử với người nước ngoài, tạo môi trường lành mạnh, hiện đại để Thủ đô Hà Nội hội nhập sâu rộng hơn với bạn bè quốc tế.
Ông Nguyễn Phú Bình thì cho rằng, cần kết hợp và xây dựng mối quan hệ phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng và trong đó, MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương là cơ quan điều phối các hoạt động chung này.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài khẳng định, những ý kiến của các đại biểu sẽ cung cấp thông tin toàn diện, đa chiều để phục vụ cho việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về lĩnh vực đối ngoại, trọng tâm là đối ngoại nhân dân. Ông Phùng Khánh Tài cũng mong muốn, cán bộ Mặt trận các cấp cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động thực hiện công tác đối ngoại nhân dân.
Đồng thời, cần có định hướng, giải pháp, sản phẩm truyền thông để nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, khai thác tối đa chức năng, lợi thế của internet, các cơ quan truyền thông, báo chí cần vào cuộc mạnh mẽ, đẩy mạnh đăng tải các tin, bài liên quan đến đối ngoại và kiều bào, từ đó, nêu cao vai trò, tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới.
NGUYỄN LỘC – TIẾN ĐẠT