Theo Dự thảo Báo cáo tổng kết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, công tác xây dựng đội ngũ trí thức đã đạt được một số kết quả nổi bật. Trong đó, nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, vị trí của trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác trí thức đã được nâng lên.
Sự gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng và Nhà nước ngày càng được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí tiếp tục được củng cố vững chắc.
Đội ngũ trí thức Việt Nam đã phát triển nhanh về số lượng, chất lượng được nâng lên. Nhiều trí thức có trình độ cao, năng động, sáng tạo, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng; đã tiệm cận một số nước tiên tiến trong khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực; tích cực, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước…
Tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn còn một số hạn chế, như: Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết còn vướng mắc; các ngành, các cấp thiếu sự thống nhất và chưa kịp thời, chưa thường xuyên; một số cấp ủy đảng từ T.Ư đến cơ sở còn thiếu trách nhiệm trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra việc thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết…
Tại Hội nghị, các đại biểu đề cập và nhấn mạnh thêm về kết quả đóng góp của đội ngũ trí thức thông qua công tác tư vấn, phản biện, tham mưu, đóng góp ý kiến góp phần vào việc xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám định các dự án lớn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Đồng thời, thống nhất đánh giá về các hạn chế, khuyết điểm, cũng như đề nghị cần làm rõ thêm một số nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình triển khai Nghị quyết.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lại Xuân Môn - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết 27 - đề nghị, Tổ Biên tập Đề án nghiêm túc tiếp thu tối đa các góp ý của các đại biểu vào Đề án. Ngoài ý kiến phát biểu trên, cần quan tâm một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần phải nhấn mạnh, làm rõ về kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết so với trước khi chưa ban hành Nghị quyết, có sự khác biệt, nổi trội ở điểm nào?
Thứ hai, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, những điểm nghẽn, nút thắt nào là cơ bản gây cản trở công tác xây dựng đội ngũ trí thức, nhất là những bất cập, thiếu sót kéo dài nhiều năm chưa khắc phục được; phân tích rõ những nguyên nhân cơ bản cốt lõi của các khuyết điểm đó.
Thứ ba, phân tích sâu sắc lý luận và thực tiễn bối cảnh tình hình mới đối với thế giới và trong nước tác động trực tiếp tới đội ngũ trí thức như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ số; trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây...
Thứ tư, Dự thảo Nghị quyết cần nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên, có thí điểm, có tính đột phá, ngắn gọn, rõ ràng, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ triển khai, thực hiện và kiểm tra, giám sát. Đồng thời, liên hợp gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với các Nghị quyết T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII liên quan đến xây dựng đội ngũ trí thức...
Những ý kiến đóng góp sẽ được Ban Chỉ đạo Đề án, Ban Tuyên giáo T.Ư tiếp thu nhằm hoàn thiện Đề án, bảo đảm chất lượng, tiến độ, trình Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII./.