Phát huy vai trò tiên phong nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán dự án đầu tư

(BKTO) - Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành IV đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành đơn vị đầu Ngành trong lĩnh vực kiểm toán dự án đầu tư và các công trình, dự án quan trọng quốc gia, đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc hoàn thành những nhiệm vụ chính trị của Ngành.

8-ktnn-chuyen-nganh-iv.jpg
Tập thể KTNN chuyên ngành IV.

Đóng góp hiệu quả vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành

KTNN chuyên ngành IV tiền thân là đơn vị Kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản và các chương trình, dự án vay, nợ, viện trợ Chính phủ - một trong những đơn vị cấp Vụ được thành lập theo Quyết định số 61/TTg ngày 24/01/1995 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 13/8/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KTNN, đã chia tách đơn vị Kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản và các chương trình, dự án vay, nợ, viện trợ Chính phủ thành 2 đơn vị cấp Vụ là Kiểm toán Đầu tư - Dự án I và Kiểm toán Đầu tư - Dự án II. Ngày 02/8/2006, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 600/QĐ-KTNN quy định chức năng nhiệm vụ và thành lập KTNN chuyên ngành IV từ đơn vị Kiểm toán Đầu tư - Dự án I.

Trải qua 20 năm, KTNN chuyên ngành IV đã đạt được nhiều thành tích trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ: 19 năm được xếp loại Tập thể lao động Tiên tiến, trong đó có 10 năm được xếp loại Tập thể hoàn thành Xuất sắc nhiệm vụ; 5 năm được tặng Bằng khen của Tổng Kiểm toán nhà nước; năm 2019 được tặng Cờ thi đua của KTNN.

Chia sẻ về chặng đường 20 năm phát triển, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Vũ Thanh Hải cho biết, đơn vị đã ngày càng lớn mạnh, có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc hoàn thành những nhiệm vụ chính trị của Ngành. Đơn cử, chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2013-2023, đơn vị đã thực hiện và hoàn thành 168 cuộc kiểm toán, phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính gần 33.215 tỷ đồng; tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán hằng năm đạt trung bình 70-75%. Đặc biệt, một số đoàn kiểm toán có kết quả nổi bật, được lãnh đạo KTNN ghi nhận, tặng thưởng danh hiệu Đoàn kiểm toán chất lượng vàng hoặc được khen thưởng đột xuất, như: Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; Dự án nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày; một số dự án thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025...

Chia sẻ thêm về hoạt động kiểm toán dự án đầu tư, Kiểm toán trưởng Vũ Thanh Hải cho biết, những ngày đầu, công tác kiểm toán dự án đầu tư của KTNN chủ yếu kiểm toán về trình tự thủ tục và xác định giá trị khối lượng hoàn thành các dự án. Đến nay, công tác kiểm toán dự án đầu tư đã tập trung kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động, kiểm toán tổng hợp, tăng cường hoạt động “tiền kiểm” tại các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kiểm toán. Qua đó đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị, khắc phục lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách trong công tác quản lý, thực hiện dự án. Đặc biệt, hoạt động kiểm toán dự án đầu tư luôn đổi mới, phát triển, bám sát với Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) là: “Thực hiện “tiền kiểm” với các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, các chủ trương, chính sách lớn, các chương trình mục tiêu quốc gia; tham mưu cho Quốc hội ý kiến về quyết định dự án, công trình trọng điểm quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh kiểm toán dự án ODA tại Việt Nam, trở thành cơ quan kiểm toán tin cậy của các nhà tài trợ”.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, hằng năm, KTNN lựa chọn khoảng 50 dự án trọng điểm của các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện kiểm toán, tập trung vào những nội dung chương trình, kế hoạch ưu tiên của Quốc hội, Chính phủ, xã hội quan tâm, như: Dự án các tuyến đường bộ cao tốc, các dự án nhóm A có tính chất liên kết vùng, liên kết khu vực, các dự án ODA và các dự án nằm trong kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Năng lực, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán dự án đầu tư ngày càng nâng cao

Kiểm toán trưởng Vũ Thanh Hải cho biết, để thực hiện hiệu quả hoạt động kiểm toán dự án đầu tư, trong những năm qua, hệ thống các văn bản pháp luật của toàn Ngành nói chung và quy định, hướng dẫn về lĩnh vực kiểm toán dự án đầu tư nói riêng được KTNN rất chú trọng xây dựng hoàn thiện qua từng năm. Trong đó, có thể kể đến: Hệ thống chuẩn mực KTNN; Quy trình kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình; Hướng dẫn kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình của KTNN; Hướng dẫn việc chuẩn bị ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; Hướng dẫn kiến nghị kiểm toán đối với một số phát hiện kiểm toán; Hệ thống hồ sơ mẫu biểu đối với lĩnh vực kiểm toán dự án đầu tư... Với hệ thống các văn bản pháp luật hướng dẫn đã giúp các kiểm toán viên nhà nước ngày càng chuyên nghiệp trong công việc, hoạt động của KTNN cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao hiện nay.

Song song với đó, đội ngũ kiểm toán viên chuyên ngành kỹ thuật tham gia kiểm toán dự án đầu tư luôn được chú trọng xây dựng, đào tạo phát triển mạnh mẽ tại các KTNN chuyên ngành, khu vực đã đáp ứng được yêu cầu kiểm toán tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng đang được dư luận xã hội quan tâm, liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Với nền tảng đó, năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán dự án đầu tư ngày càng được nâng cao. Thông qua hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán đã phục vụ kịp thời công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật; thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí... tại các dự án đầu tư quan trọng quốc gia, dự án nhóm A. Đồng thời, giúp các Bộ, địa phương, chủ đầu tư dự án nhìn nhận đánh giá đúng thực trạng hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước để từ đó phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém, bất cập, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cùng với đó, thông qua hoạt động kiểm toán cũng đã phát hiện những văn bản pháp luật, văn bản quản lý bất cập, hạn chế hoặc không còn phù hợp với thực tế để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật./.

Cùng chuyên mục
Phát huy vai trò tiên phong nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán dự án đầu tư