Đảm bảo tính thực tiễn khi đào tạo kỹ năng kiểm toán công nghệ thông tin

(BKTO) - Chương trình bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT) nhằm trang bị cho kiểm toán viên nhà nước các kiến thức, kỹ năng về kiểm toán CNTT, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Kiểm toán nhà nước trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật và công nghệ ngày càng phát triển.

ban-ra-soat-tai-lieu-boi-duong-ky-nang-kiem-toan-cntt-hop-thong-nhat-noi-dung-va-thoi-gian-trien-khai-nhiem-vu..jpg
Ban rà soát tài liệu bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán CNTT họp thống nhất nội dung và thời gian triển khai nhiệm vụ. Ảnh: Nguyễn Ly

Chiều 23/4, Ban rà soát, sửa đổi Tài liệu chương trình bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán CNTT cấp độ 1 đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất để thông nhất nội dung, tiến độ triển khai và hoàn thiện tài liệu. Tham dự cuộc họp có đại diện Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, cùng các thành viên trong Ban.

Thông tin tại cuộc họp, TS. Nguyễn Hữu Hiểu - Trưởng khoa, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho biết, chương trình bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán CNTT gồm hai cấp độ được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành theo Quyết định số 416/QĐ- KTNN ngày 11/4/2023. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai kiểm toán CNTT, nhiều nội dung, yêu cầu mới đặt ra đòi hỏi các kiểm toán viên cần được thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng cũng như học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn.

ts.-nguyen-huu-hieu-truong-khoa-truong-dao-tao-va-boi-duong-nghiep-vu-kiem-toan-de-xuat-mot-so-noi-dung-trong-tai-lieu-boi-duong-ky-nang-kiem-toan-cntt.jpg
TS. Nguyễn Hữu Hiểu - Trưởng khoa, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đề xuất một số nội dung trong tài liệu bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán CNTT. Ảnh: Nguyễn Ly

Trên cơ sở đó, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đề xuất Ban rà soát cập nhật, bổ sung các nội dung phù hợp với thực tiễn kiểm toán CNTT của Kiểm toán nhà nước; đối với những nội dung quan trọng/phức tạp cần có ví dụ minh họa, trình bày dưới một trong các dạng bài tập, câu hỏi, tình huống thực tiễn có lời giải. Cuối mỗi chuyên đề có các câu hỏi thảo luận bài tập tình huống (tối thiểu 10 câu hỏi/bài tập mỗi chuyên đề).

Đại diện Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cũng khuyến nghị Ban rà soát tham khảo các tài liệu quốc tế của ASOSAI, INTOSAI và các cơ quan kiểm toán trên thế giới, kết hợp với báo cáo kết quả kiểm toán của các chuyên ngành, khu vực để chương trình tài liệu có tính ứng dụng, bám sát thực tiễn.

ts.-le-anh-vu-kiem-toan-nha-nuoc-chuyen-nganh-vii-truong-ban-ra-soat-nhan-manh-viec-boi-duong-ky-nang-kiem-toan-cntt-can-dam-bao-can-doi-giua-ly-thuyet-thuc-tien-va-thuc-hanh.jpg
TS. Lê Anh Vũ - Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII, Trưởng Ban rà soát nhấn mạnh việc bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán CNTT cần đảm bảo cân đối giữa lý thuyết, thực tiễn và thực hành. Ảnh: Nguyễn Ly

Về trình tự thực hiện, Ban rà soát triển khai thực hiện nhiệm vụ và gửi Dự thảo lần 1 về Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trước ngày 15/9/2024. Sau khi rà soát Dự thảo tài liệu bồi dưỡng, Trường trình Tổng Kiểm toán nhà nước thành lập Hội đồng nghiệm thu và tổ chức nghiệm thu tài liệu bồi dưỡng (dự kiến tháng 10/2024). Ban rà soát tiếp thu ý kiến Hội đồng nghiệm thu và hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng; trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành trong năm 2024.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Hữu Hiểu cũng đề xuất, sau khi tài liệu bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán CNTT được ban hành, các thành viên trong Ban rà soát đảm nhiệm vai trò giảng dạy chương trình này và tiếp tục tham gia sửa đổi, bổ sung tài liệu bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán CNTT cấp độ 2.

cac-thanh-vien-trong-ban-ra-soat-sua-doi-tai-lieu-chuong-trinh-boi-duong-ky-nang-kiem-toan-cong-nghe-thong-cntt-cap-do-1-.jpg
Các thành viên trong Ban rà soát, sửa đổi tài liệu chương trình bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán công nghệ thông CNTT cấp độ 1. Ảnh: Nguyễn Ly

Thống nhất với các nội dung trên, TS. Lê Anh Vũ - Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII, Trưởng Ban rà soát nhấn mạnh, việc bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán CNTT cần đảm bảo cân đối giữa lý thuyết, thực tiễn và thực hành. Do đó, Ban rà soát sẽ tiếp thu tối đa tài liệu đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành, đồng thời bổ sung các nội dung mới, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn từ hoạt động kiểm toán thời gian qua; chú trọng vào các ví dụ minh họa và bài tập thực hành để kiểm toán viên dễ dàng nắm bắt kỹ năng kiểm toán, phân tích dữ liệu…

Để đảm bảo tiến độ và phù hợp với Kế hoạch đào tạo của Kiểm toán nhà nước năm 2024, dự kiến, Ban rà soát sẽ hoàn thiện dự thảo tài liệu và tổ chức họp thảo luận ngày 31/7, trước khi chuyển sang Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán.

Chương trình bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán CNTT cấp độ 1 gồm 40 tiết, chia thành 3 chuyên đề: Tổng quan về kiểm toán CNTT; Kiểm toán hệ thống CNTT; Tiếp cận, chuẩn hóa, phân tích và truy vấn dữ liệu kiểm toán trong môi trường CNTT.

Cùng chuyên mục
Đảm bảo tính thực tiễn khi đào tạo kỹ năng kiểm toán công nghệ thông tin