Phát triển kinh tế ban đêm - góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch

(BKTO)- Kinh tế ban đêm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nhiều nền kinh tế trên thế giới. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.



                
   

Các hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa được quy hoạch, sắp xếp bài bản - Nguồn: sưu tầm.

   

Kinh tế ban đêm là gì?

Kinh tế ban đêm (Night time economy-NTE) là các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm: ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.

Tại các thành phố lớn ở châu Âu hay nhiều quốc gia du lịch nổi tiếng, đều có nền “kinh tế ban đêm” phát triển thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án khai thác tiềm năng kinh tế đêm, gắn với đặc trưng và thế mạnh văn hóa, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực của riêng mình.

Trên thế giới, kinh tế ban đêm chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế. Các thống kê cho thấy, kinh tế ban đêm đã mang lại cho Tokyo (Nhật Bản) khoảng 3,76 tỷ USD mỗi năm. Tại Anh, ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. Tại Mỹ, mỗi đêm New York thu về hơn 8 triệu USD từ các hoạt động trình diễn và triển lãm nghệ thuật. Tính luôn cả ngành thể thao, bar và ẩm thực, tổng cộng New York thu về 19 tỷ USD mỗi năm sau khi hoàng hôn buông xuống. Còn tại Australia, nền kinh tế ban đêm đã tạo ra trung bình hơn 100 tỷ USD doanh thu mỗi năm, chiếm tới 4% GDP. Các nước láng giềng của Việt Nam như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan cũng đã hình thành loạt khu kinh tế đêm để khai thác triệt để công suất du lịch và hưởng nguồn thu khổng lồ từ mô hình này.

Tại Việt Nam, theo các chuyên gia, ngành du lịch chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng một phần quan trọng là do Việt Nam chưa có nền kinh tế đêm phát triển, “mỏ vàng” du lịch vẫn chưa được khai mở. Mặc dù những năm gần đây, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, song mức chi tiêu trung bình vẫn còn khá thấp. Theo số liệu thống kê năm 2018 của Master Card, trung bình du khách tại Việt Nam chi tiêu mỗi ngày khoảng 96 USD, trong khi con số đó tại Bangkok (Thái Lan) là khoảng 173 USD. Nguyên nhân chính là do dù có muốn thì khách du lịch cũng không thể tiêu tiền vào ban đêm tại Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam thực sự hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm như: tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; có lượng dân số trẻ đông và sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu... Đặc biệt, Việt Nam có nền chính trị ổn định, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm. Tạp chí Global Finance (Mỹ) mới đây đã công bố bảng xếp hạng các quốc gia an toàn và nguy hiểm nhất thế giới trong năm 2019, theo đó, Việt Nam xếp thứ hạng thứ 83/128 quốc gia (trên Thái Lan).

Trên thực tế, kinh tế ban đêm cũng xuất hiện tại một số đô thị và các trung tâm du lịch lớn tại Việt Nam, như Hà Nội có phố Tạ Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh có phố Bùi Viện, chợ đêm Bến Thành... Một số địa phương cũng đã triển khai kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm dưới nhiều hình thức, như mở các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, khu mua sắm, khu ẩm thực… Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa được quy hoạch, sắp xếp bài bản và còn ít hoạt động vui chơi giải trí có tổ chức chuyên nghiệp, do đó chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Với những tiềm năng rất lớn có sẵn, đã đến lúc du lịch Việt Nam cần “thức giấc”, bừng sáng mạnh mẽ nền kinh tế đêm để mang lại tăng trưởng đột phá. Gần đây, Phú Quốc trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý khi xuất hiện Grand World - Thành phố giải trí và mua sắm không ngủ đầu tiên - được kỳ vọng trở thành điểm đến đẳng cấp thế giới, mở đường cho nền kinh tế đêm tại Việt Nam.

Phát triển kinh tế ban đêm sẽ góp phần hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch

Không thể phủ nhận đóng góp và tiềm năng phát triển của kinh tế ban đêm, tuy nhiên cũng không khó để thấy rằng, về mặt xã hội, phát triển kinh tế ban đêm cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Đối với Việt Nam, kinh tế ban đêm đặt ra yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương, kiểm soát các vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, rác thải; rủi ro phòng cháy chữa cháy, tình trạng chiếm dụng trái phép không gian công cộng phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt là tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó còn là áp lực về cung cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu như: xử lý chất thải, cung cấp điện, nước… giám sát các vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, giá cả hàng hóa...

Cuối tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm. Mục tiêu của Đề án là khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Theo đó, Chính phủ cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Trên cơ sở thí điểm sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.

Chính phủ nêu rõ, xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế ban đêm thông qua nâng cao năng lực, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh tiếp cận nguồn tài chính chính thức, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng. Đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá các hoạt động kinh tế ban đêm; xây dựng sản phẩm du lịch đêm dựa trên yếu tố văn hóa bản địa, tạo điểm nhấn theo đặc trưng địa phương (lựa chọn các loại hình dịch vụ, các địa đểm mang tính biểu tượng để thu hút khách du lịch)…

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở địa phương, đặc biệt phù hợp với khả năng xây dựng các cơ sở hạ tầng hỗ trợ, nguồn lực đầu tư và khả năng huy động, thu hút đầu tư ở từng địa điểm cụ thể. Các chương trình/kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm cần có sự tính toán kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng, tác động kinh tế ban đêm đến địa phương (cả tác động tích cực và tiêu cực) dựa trên nhu cầu và việc khai thác tối đa thế mạnh, cũng như yêu cầu và khả năng bố trí nguồn lực quản lý và hỗ trợ của địa phương.

Theo TS. Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Việc ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm thể hiện quyết tâm không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào cho tăng trưởng kinh tế. Đặt trong bối cảnh Chính phủ đang chủ trương phòng chống dịch hiệu quả nhưng không lơ là nhiệm vụ phát triển kinh tế, việc thực hiện Đề án sẽ là minh chứng sống động cho quyết tâm khơi thông hoạt động kinh tế. Sự quan tâm của không ít bộ, ngành, địa phương chính là cở sở để tin tưởng mô hình thí điểm về kinh tế ban đêm sẽ sớm được triển khai và nhân rộng.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, ngay cả các hoạt động dịch vụ, du lịch thông thường cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, việc phát triển kinh tế ban đêm chưa thể thực hiện ngay được. Song theo TS. Trần Thị Hồng Minh, đây lại là cơ hội để Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc phát triển kinh tế ban đêm, để ngay sau khi đại dịch qua đi là có thể bắt tay làm ngay, góp phần hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế.

TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: sẽ còn nhiều điều phải làm để cụ thể hóa chính sách phát triển kinh tế ban đêm trên thực tế. Quá trình này có thể bị ảnh hưởng, song không dừng lại ngay cả khi ngành du lịch nước ta gặp khó vì đại dịch COVID-19. Sau đại dịch và sau giãn cách xã hội trên thế giới, Việt Nam vẫn được coi là một điểm sáng, có sức hút du lịch và việc phát triển kinh tế ban đêm có thể gặp nhiều thuận lợi trong thời gian tới.
Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
  • Dịch COVID-19: Tìm cơ hội trên thị trường chứng khoán
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh đến bức tranh vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết, các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn thị trường chung và các cổ phiếu hưởng lợi từ điểm sáng vĩ mô sẽ là nhóm các cổ phiếu được thị trường yêu thích. Đây là nhận định của các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - SSI trong Báo cáo Chiến lược Thị trường tháng 8/2020, chủ đề cơ hội từ điểm sáng vĩ mô.
  • Vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản đạt 2,8 tỷ USD
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến cuối tháng 7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,82 tỷ USD; trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,8 tỷ USD.
  • Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam  lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành công tốt đẹp
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong hai ngày 03 và 04/8/2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Đại hội) được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 297 đại biểu chính thức được bầu từ Đại hội các đảng bộ/chi bộ trực thuộc và đại biểu đương nhiên là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đương nhiệm, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của gần 6 vạn cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động Dầu khí.
  • Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 7 có dấu hiệu khởi sắc
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7/2020 tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 7 cũng đạt 13,9 nghìn lượt người, tăng 58,7% so với tháng trước.
  • Mục tiêu bảo đảm an ninh  năng lượng còn nhiều thách thức
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những thách thức, hạn chế trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đã được làm rõ, yêu cầu phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết.
Phát triển kinh tế ban đêm - góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch