Phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ảnh: Minh Thúy
Sau 35 năm đổi mới, quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên
Theo PGS,TS. Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư, một trong những điểm mới của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng là xác định cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới. Việc xác định cơ đồ đất nước được thực hiện trên cơ sở đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Trong bức tranh toàn cảnh về đất nước qua 35 năm đổi mới, kinh tế là điểm nhấn quan trọng với những dấu ấn nổi bật. Cụ thể, theo Dự thảo Báo cáo chính trị, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao (khoảng 5,9%/năm). Tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên (năm 2020, GDP ước đạt 268,4 tỷ USD, bình quân đầu người ước đạt 2.570 USD/người). Đặc biệt, năm 2020, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, chúng ta từng bước kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, khôi phục sản xuất kinh doanh; ổn định đời sống, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN); khẳng định bản lĩnh, ý chí và truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân tộc ta.
Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Dự thảo Báo cáo chính trị đánh giá: Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên (năm 1989 là 6,3 tỷ USD, đến năm 2020 ước đạt 268,4 tỷ USD). Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt (thu nhập bình quân đầu người năm 1985 là 159 USD, năm 2020 ước đạt 2.750 USD). Khái quát những thành tựu của đất nước qua 35 năm đổi mới, đặc biệt là trong 5 năm vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Theo PGS,TS. Nguyễn Viết Thông, những thành tựu trên đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; khẳng định con đường đi lên CNXH là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Tuy nhiên, bên cạnh việc nêu bật những thành tích đạt được, Dự thảo Báo cáo chính trị đã thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững và đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Xu hướng già hóa dân số nhanh, biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Các vùng, miền, địa phương chưa đảm bảo phát triển tổng thể, đồng bộ theo lợi thế so sánh và điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù.
Đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế
Cũng theo PGS,TS. Nguyễn Viết Thông, Dự thảo Báo cáo chính trị nêu 12 định hướng phát triển đất nước trong 10 năm tới (2021-2030). Trong đó, định hướng về phát triển kinh tế là: Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Dự thảo Báo cáo chính trị cũng đề ra 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế. Một là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần chuyển nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Việc đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế được thực hiện toàn diện, đồng bộ từ hoạt động đầu tư, thị trường tài chính - tiền tệ, thu chi NSNN, thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên, ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, hệ thống DN, các đơn vị sự nghiệp công lập đến kinh tế vùng… Cùng với đó là việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ hai là hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN theo hướng: thống nhất và nâng cao nhận thức về vấn đề này; tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, hoàn thiện đồng bộ thể chế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế.
Với những định hướng trên, theo các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, Dự thảo Báo cáo chính trị đã kế thừa quan điểm còn phù hợp của Chiến lược 10 năm trước nhưng có nhiều điểm mới. Dự thảo đã đưa ra quan điểm phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN làm mục tiêu để phấn đấu.
THÀNH ĐỨC