Phát triển kinh tế thị trường phải vì hạnh phúc của dân

(BKTO) - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã và đang được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi tại các đại hội Đảng bộ, các cuộc họp chi bộ các cấp, ngành trong Đảng và sẽ công bố công khai để xin ý kiến góp ý, phản biện của các tầng lớp nhân dân trên cả nước.



Trong khi tiếp thu những đặc trưng cơ bản của mô hình kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa đã được khẳng định trong văn kiện Đại hội XII, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (dưới đây viết tắt là Dự thảo) có nhiều điểm mới, nổi bật là sự khẳng định: “Phát triển KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, đồng nghĩa với coi xây dựng KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình dài, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu “bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước” để tạo sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước trước mọi biến động của thực tiễn.

Bên cạnh đó, Dự thảo lần đầu tiên đưa ra và khẳng định tầm quan trọng của xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; đề cao vai trò của các tổ chức xã hội trong tạo lập sự liên kết, phối hợp hoạt động giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên, bảo vệ lợi ích thành viên, phản ánh nguyện vọng người dân, phản biện và giám sát thực thi pháp luật…

Tuy vậy, cũng chính tại nội dung này, quan hệ biện chứng giữa Nhà nước, thị trường và xã hội cần được làm rõ hơn, trong đó có cơ chế quản lý nhà nước đối với các DNNN (nhất là loại hình 100% vốn nhà nước) không hoạt động trong lĩnh vực lợi nhuận, không phải cạnh tranh với các DN thuộc thành phần kinh tế khác và do đó không thể hoạt động theo cơ chế thị trường.

Hơn nữa, cần làm sâu sắc hơn chức năng Nhà nước trong vai trò chủ động hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; tăng cường đào tạo cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; nâng cao năng lực dự báo và ngăn chặn, trung hòa các tác động mặt trái của KTTT (như: chạy theo lợi nhuận đơn thuần, cạnh tranh thiếu lành mạnh, phân hóa giàu nghèo và coi nhẹ các vấn đề y tế, môi trường, xã hội…); là “nhạc trưởng” giữ nhịp và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ các cam kết, quy luật và quy trình kinh tế trong hội nhập quốc tế (thí dụ không thể cho phép DN tự do hóa giá cả trước khi phải tự do hóa cạnh tranh sản xuất và cung ứng thị trường); nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia và tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hiệu quả hoạt động của DN, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hoạt động của những lĩnh vực, mô hình kinh doanh mới; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong tham gia hình thành và điều tiết các quan hệ KTTT; giữ vững các cân đối lớn, bảo đảm an ninh kinh tế; đẩy mạnh đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác; nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ các biến động kinh tế thế giới; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ DN và thị trường trong nước…

Đặc biệt, Dự thảo tái khẳng định mục tiêu cao nhất của công cuộc đổi mới và phát triển KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điều này một lần nữa cho thấy: Xây dựng mô hình KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là phù hợp với xu hướng và yêu cầu thực tiễn phát triển KTTT trên thế giới. Bởi lẽ, thực tế đã, đang và sẽ ngày càng cho thấy, dù ở đâu và thời đại nào, dù đa dạng và khác nhau về chế độ, thể chế chính trị song mọi mô hình KTTT muốn thành công đều phải ngày càng hội tụ vào mục tiêu cao nhất và xuyên suốt là vì phát triển đất nước bền vững và đáp ứng ngày càng tốt hơn khát vọng hạnh phúc cho người dân của quốc gia mình.

Quá trình Đảng ta không ngừng hoàn thiện, củng cố nhận thức toàn diện, đầy đủ, sâu sắc và tổ chức xây dựng hiệu quả mô hình KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là biểu hiện và thước đo sự thành công bản lĩnh, trí tuệ về đổi mới và cách mạng của Đảng. Đồng thời, đó cũng là quá trình tạo lập và hiện thực hóa các mục tiêu, động lực và cơ chế để gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy dân chủ, sáng tạo và bảo vệ quyền con người, quyền công dân và để người dân được hưởng thụ ngày càng nhiều hơn thành quả của công cuộc đổi mới. Từ đó, giữ vững được ổn định chính trị và kinh tế, củng cố đồng thuận và đoàn kết xã hội, không ngừng cải thiện các quan hệ và vị thế quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phát triển nhanh, bền vững hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và toàn diện hơn.

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán Nhà nước tham gia kiểm toán môi trường -  yêu cầu bức thiết về luật pháp và thực tiễn
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo Phòng Thương mại quốc tế (ICC), kiểm toán môi trường (KTMT) là công cụ quản lý nhằm đưa ra những đánh giá mang tính hệ thống, được ghi chép, mang tính chất thời kỳ và khách quan về việc trang bị, quản lý và tổ chức các vấn đề môi trường có được thực hiện tốt hay không với mục đích bảo vệ môi trường bằng cách làm đơn giản quá trình thực hiện và đánh giá mức độ tuân thủ các chính sách về môi trường của DN, bao gồm các yêu cầu tuân thủ và các chuẩn mực phải thực hiện.
  • Không bỏ lỡ cơ hội
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Việt Nam hiện có hơn 32.000 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 378 tỷ USD, từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh các dòng vốn đầu tư thế giới suy giảm khoảng 40% năm 2020 do đại dịch Covid-19, thì việc dòng FDI vào Việt Nam trong 8 tháng năm 2020 chỉ giảm 13,7% vốn FDI đăng ký mới và giảm 5% vốn thực hiện là một minh chứng sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
  • Thấy gì từ xuất siêu kỷ lục
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Nhìn lại 8 tháng năm 2020 vừa qua, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu tới 11,9 tỷ USD - mức thặng dư thương mại kỷ lục của Việt Nam từ trước tới nay trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành trên toàn thế giới - cao gấp hơn 3 lần so với quy mô xuất siêu 3,4 tỷ USD năm 2019 và 4,9 tỷ USD năm 2018. Thặng dư cán cân thương mại hàng hóa khổng lồ của Việt Nam có những đặc điểm nổi bật sau:
  • Quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Giải ngân vốn đầu tư công đã và đang là áp lực, là nhiệm vụ chính trị ưu tiên của năm 2020. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị và đã có nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng về vấn đề này…
  • Quản lý chi ngân sách nhà nước cho trẻ em
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Chi NSNN cho trẻ em không có tính trực tiếp nên rất khó để thu thập số liệu, báo cáo, phân tích đánh giá và giám sát chi NSNN cho trẻ em, từ xây dựng dự toán đến chấp hành dự toán, kiểm toán và quyết toán chi NSNN cho trẻ em.
Phát triển kinh tế thị trường phải vì hạnh phúc của dân