Thấy gì từ xuất siêu kỷ lục

(BKTO) - Nhìn lại 8 tháng năm 2020 vừa qua, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu tới 11,9 tỷ USD - mức thặng dư thương mại kỷ lục của Việt Nam từ trước tới nay trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành trên toàn thế giới - cao gấp hơn 3 lần so với quy mô xuất siêu 3,4 tỷ USD năm 2019 và 4,9 tỷ USD năm 2018. Thặng dư cán cân thương mại hàng hóa khổng lồ của Việt Nam có những đặc điểm nổi bật sau:



Thứ nhất, mặc dù thương mại quốc tế chịu tác động nặng nề của Covid-19 song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 vẫn đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chỉ có 162,21 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Nói cách khác, nguyên nhân cơ bản của xuất siêu kỷ lục là sự sụt giảm của kim ngạch nhập khẩu chứ không phải là nhờ tăng kim ngạch xuất khẩu khi cùng kỳ năm 2019, kim ngạch nhập khẩu vẫn tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018 còn xuất khẩu tăng tới 7,3%.

Thứ hai, tương tự như nhiều năm trở lại đây, 8 tháng năm 2020, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu 11,2 tỷ USD trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) vẫn duy trì xuất siêu 23,1 tỷ USD. Tuy nhiên, nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước đã giảm mạnh so với mức 18,4 tỷ USD cùng kỳ năm 2019 trong khi xuất siêu của khu vực FDI chỉ tăng nhẹ tương ứng so với mức 21,8 tỷ USD. Như vậy, công đầu tạo ra kỷ lục xuất siêu 8 tháng năm 2020 chính là khu vực kinh tế trong nước. Đến lượt mình, nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước giảm mạnh là do kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2020 đạt tới 60,80 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn so với mức tăng 13,9% tương ứng của năm 2019), trong khi nhập khẩu 72,05 tỷ USD, chỉ tăng 2,9% (thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,9% tương ứng của năm 2019). Rõ ràng, do kim ngạch nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng chậm hẳn lại nhưng vẫn duy trì tốt tốc độ tăng xuất khẩu cao nên đóng góp chủ yếu vào kỷ lục xuất siêu hàng hóa chung của cả nền kinh tế. Thành tích của khu vực kinh tế trong nước càng ấn tượng khi trong cùng kỳ, khu vực FDI chỉ xuất khẩu được 113,31 tỷ USD (kể cả dầu thô), không những không tăng mà còn giảm tới 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Rõ ràng, xuất khẩu của khu vực FDI nhạy cảm với tác động của dịch bệnh hơn hẳn so với khu vực kinh tế trong nước khi 8 tháng năm 2019, xuất khẩu của khu vực FDI vẫn tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018 và thấp xa con số tăng tương ứng 13,4% của năm 2018. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực FDI 8 tháng năm 2020 thậm chí còn giảm mạnh hơn tới 6% so với cùng kỳ năm 2019, nhờ vậy vẫn duy trì được mức xuất siêu hơn 20 tỷ USD.

Thứ ba, kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực FDI đều giảm do hầu hết nhóm hàng hóa xuất nhập khẩu vốn là thế mạnh đều giảm hoặc tăng thấp, điển hình là nhóm điện thoại và linh kiện chỉ xuất khẩu được 31,5 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước trong khi nhập khẩu điện thoại và linh kiện đạt 8,8 tỷ USD, giảm 2,5%.

Ngược lại, những nhóm hàng hóa xuất khẩu thế mạnh của khu vực kinh tế trong nước lại diễn biến trái chiều. Chẳng hạn, nếu nhóm xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỷ USD, tăng 24,8% hay máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,1 tỷ USD, tăng 31,9% và nhóm gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,3 tỷ USD, tăng 9,6%; thì nhóm hàng dệt may đạt 19,2 tỷ USD, giảm 11,6% và giày dép đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6% hay thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%, còn phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,2 tỷ USD, giảm 9,5%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước (rau quả giảm 11,3%; hạt điều giảm 5,4%; cao su giảm 12,7%; hạt tiêu giảm 20%; riêng gạo lại tăng 10,4%).

Tóm lại, thành tích xuất siêu kỷ lục 8 tháng năm 2020 nửa mừng nửa lo. Mừng vì khu vực kinh tế trong nước đã đạt thành tựu kép đầy ấn tượng khi tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu với tốc độ cao bất chấp dịch bệnh, đồng thời giảm mạnh tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu, giảm nhẹ thiệt hại do sự suy giảm cả kim ngạch xuất khẩu lẫn nhập khẩu của khu vực FDI. Mừng vì khu vực FDI vẫn duy trì mức xuất siêu lớn không chỉ bù đắp cho phần nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước mà còn thiết lập thặng dư cán cân thương mại bền vững trong mấy năm gần đây. Lo vì tốc độ tăng nhập khẩu chậm lại không phải vì Việt Nam đã phát triển được khu vực thay thế nhập khẩu hay giảm dần tỷ trọng gia công lắp ráp trong hoạt động xuất khẩu, nên suy giảm nhập khẩu rất có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế và liên quan tới những khó khăn trên thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu trong những tháng tới. Hơn nữa, lo vì xuất siêu tuy ảnh hưởng tích cực tới cán cân vãng lai, tới tỷ giá hối đoái và dự trữ ngoại hối, song thặng dư thương mại quá lớn với Mỹ đi đôi với thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc có thể dẫn tới những hệ lụy không mong muốn, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội như: cáo buộc thao túng tiền tệ, trừng phạt thương mại, phụ thuộc kinh tế do tập trung thương mại quá mức hay gian lận thương mại...

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Giải ngân vốn đầu tư công đã và đang là áp lực, là nhiệm vụ chính trị ưu tiên của năm 2020. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị và đã có nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng về vấn đề này…
  • Quản lý chi ngân sách nhà nước cho trẻ em
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Chi NSNN cho trẻ em không có tính trực tiếp nên rất khó để thu thập số liệu, báo cáo, phân tích đánh giá và giám sát chi NSNN cho trẻ em, từ xây dựng dự toán đến chấp hành dự toán, kiểm toán và quyết toán chi NSNN cho trẻ em.
  • Động thái nổi bật kinh tế thế giới năm 2020
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Điểm nhấn nổi bật chi phối kinh tế thế giới năm 2020 là đại dịch Covid-19, mà chỉ trong 8 tháng qua đã khiến trên 23 triệu người nhiễm và gần 1 triệu người tử vong, trong hơn 125 quốc gia, vùng lãnh thổ toàn thế giới.
  • Những góc nhìn đầu tư trong mùa dịch COVID-19
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO)- Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đang tạo ra rủi ro lớn cho giới đầu tư. Tuy nhiên, trong rủi ro cũng không thiếu những cơ hội. Giới chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định về ưu, nhược điểm của các kênh đầu tư trong tình hình hiện nay. Đây cũng có thể xem như những góc nhìn giúp nhà đầu tư có thêm kênh tham khảo để dòng tiền đầu tư sinh lợi nhất.
  • Kiểm toán Nhà nước và chuyển đổi số
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 19/4/2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Theo đó, để bảo đảm yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2020 là: “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”.
Thấy gì từ xuất siêu kỷ lục