Phát triển ngành công nghiệp hoá chất theo mô hình kinh tế tuần hoàn

(BKTO) - Phát triển ngành công nghiệp hoá chất theo mô hình của kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản và cần sự chung tay của các Bộ, ngành để có cơ chế khuyến khích kịp thời.

cn-hoa-chat-duyen-2.jpg
Các DN hóa chất và phân bón ngày càng hướng tới triển khai các dự án xanh, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Ảnh: ST

Nhiều tín hiệu “xanh” từ các doanh nghiệp hóa chất

TS. Đỗ Thanh Bái - Chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện của các doanh nghiệp (DN) Hóa chất Việt Nam (VRCC) - cho biết: Công nghiệp hóa chất đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và là ngành sản xuất lớn thứ 5 toàn cầu. Theo báo cáo “Ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu: Thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các thách thức về tính bền vững của thế giới” của Hiệp hội Hóa chất quốc tế, ngành hóa chất đóng góp ước tính 5.700 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và hỗ trợ 120 triệu việc làm trên toàn thế giới. Tính riêng với Việt Nam, ngành hóa chất có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình khoảng 13-14%/năm.

Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng hóa chất cũng đang gây nhiều áp lực lên môi trường, sức khỏe con người và biến đổi khí hậu. Vì thế, thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất phát triển bền vững là hết sức cần thiết để tối đa hóa các lợi ích. Ông Nguyễn Hoài Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dow Việt Nam - cho hay, hiện Dow đã và đang thực hiện 4 dự án về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trong đó có dự án tiêu biểu như trải 1,4 km đường tại Khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng) từ nhựa tái chế. Tại dự án này, Dow Việt Nam đã kết hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng (URENCO Hải Phòng) thu gom bao bì nhựa dẻo để tái chế. Rác thải nhựa này được làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ trước khi trộn với nhựa đường asphalt ở nhiệt độ từ 1500-18000C.

Việc hoàn thành 1,4km đường đã giúp chuyển hóa tổng cộng 6,5 tấn rác thải, phế thải là bao bì nhựa dẻo, tương đương với hơn 1,7 triệu bao bì nhựa dẻo. Như vậy, thay vì thải ra môi trường thì 6,5 tấn rác thải nhựa này đã trở thành nguồn tài nguyên mới.

“Dự án làm đường từ rác thải nhựa ở DEEP C Hải Phòng là một ví dụ tiêu biểu cho sự đồng hành giữa DN và Chính phủ trong chiến lược phát triển bền vững nói chung và hưởng ứng kịp thời lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa nói riêng. Mô hình này nên được nhân rộng ở nhiều địa phương” - ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững (VBCSD) chia sẻ.

TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam - cũng nhận định: "Xuất phát từ nhu cầu tự thân, cũng như xu hướng chung của thế giới về việc định hướng hóa học thành hóa học xanh, ưu tiên thúc đẩy các dự án về hydro xanh, amoniac xanh, ngành phân bón của Việt Nam thời gian qua cũng tích cực triển khai các dự án xanh, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Điển hình là một số nhà máy ure đã triển khai thành công quá trình thu hồi CO2 trong sản xuất, để tái tổng hợp thành phân ure như: Nhà máy Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc...”.

Còn nhiều rào cản về công nghệ, vốn, cơ chế, chính sách

Bà Nguyễn Xuân Kim Phượng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dow Việt Nam - chia sẻ: Còn rất nhiều rào cản trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ngành hóa chất. Thứ nhất, khó khăn về vốn. Bà Kim Phượng lấy ví dụ, những bao bì cho sản phẩm tôm xuất khẩu của các DN trong nước cũng phải làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường. Đây là một trong những yếu tố để các DN trong nước có thể “ghi điểm” trong công tác xuất khẩu với đối tác nước ngoài. Như vậy, ngành hóa chất trong nước ngày càng phải thích ứng, đổi mới công nghệ để đáp ứng những yêu cầu của quốc tế trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, để đổi mới công nghệ đòi hỏi tiềm lực tài chính. Trong khi đó, ngành hóa chất của Việt Nam vẫn còn nhiều DN vừa và nhỏ với số vốn khiêm tốn. Việc phát triển ngành đặc thù này đòi hỏi thời gian dài, vốn đầu tư lớn, trong khi thu hồi vốn chậm... và cần có một cơ chế ưu đãi cho DN khuyến khích đầu tư.

cn-hoa-chat-duyen-1.jpg
Trải 1,4km đường tại Khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng) từ nhựa tái chế kết hợp với nhựa đường asphalt. Ảnh: ST

Thứ hai, trong kinh tế tuần hoàn, chất thải của ngành này sẽ là đầu vào của ngành khác. Bà Kim Phượng lấy ví dụ một nhà máy chuyên sản xuất vật liệu nhũ tương cho ngành sơn nội thất tại Đồng Nai. Khi xúc rửa các bồn sản xuất nhũ tương này phát sinh ra phụ phẩm có thể đưa vào tái chế và sản xuất thành vật liệu sản xuất gạch chống thấm rất tốt. Tuy nhiên, việc thương mại hóa sản phẩm gặp khó khăn bởi phụ phẩm này bị coi là chất thải nguy hại; vẫn chưa có một cơ chế, văn bản hướng dẫn để đưa sản phẩm chất thải này làm sản phẩm tái chế. Chính vì thế hơn 3 năm qua, vì vướng cơ chế, DN vẫn không thể triển khai, thương mại hóa được sản phẩm này!

Sớm “luật hóa” hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn

Trao đổi thêm về những khó khăn, vướng mắc của DN hóa chất, TS. Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết, hiện Bộ đang xây dựng dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ về dự án xanh, chuyển đổi xanh... Trong thời gian tới, sẽ có những cơ chế tài chính riêng của Nhà nước hỗ trợ cho những dự án xanh, thương mại xanh để góp phần khuyến khích nền kinh tế tuần hoàn.

TS. Đỗ Thanh Bái - Chủ tịch VRCC - cũng đưa ra khuyến nghị, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, ban hành và “luật hóa” hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho việc sử dụng, tái chế chất thải trong ngành hóa chất. Từ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn này, các đơn vị mới có cơ sở để có thể phát triển và thương mại hóa được các sản phẩm tái chế.

Các chuyên gia cũng nhận định, phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng tuần hoàn, bền vững là một xu hướng tất yếu. Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, các DN trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất cần xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN phù hợp; ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng xanh, thân thiện với môi trường. Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của các DN, các cơ quan chức năng cũng cần có những hỗ trợ ưu đãi về tài chính, tìm đầu ra cho các sản phẩm được tái chế cho các DN./.

Cùng chuyên mục
Phát triển ngành công nghiệp hoá chất theo mô hình kinh tế tuần hoàn