Thuế thương mại điện tử đóng góp đáng kể cho ngân sách

(BKTO) - Nhờ hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, số thu từ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) của ngành thuế tăng trưởng liên tiếp trong 3 năm qua.

19-tmdt.jpg
Dự kiến năm 2023, số thu từ hoạt động TMĐT đạt 273.000 tỷ đồng, tăng 5,9% so với năm 2022. Ảnh: ST

Ngành thuế liên tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý thuế hoạt động TMĐT

Sau 32 năm xây dựng và triển khai, các ứng dụng thuế điện tử đã góp phần thay đổi phương thức điều hành quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế, cũng như người dân, doanh nghiệp (DN) theo hướng tích cực, hiện đại. Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và cá nhân, hộ kinh doanh (Tổng cục Thuế) - cho biết, để tạo điểm nhấn trong công tác quản lý thuế hoạt động TMĐT, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính phê duyệt Đề án: “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam”. Ngày 12/11/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam”.

Nhờ hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, số thu từ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) của ngành thuế tăng trưởng liên tiếp trong 3 năm qua.

Từ Đề án được phê duyệt, Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ triển khai Đề án. Ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) nhằm hỗ trợ việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới. Tiếp đó, ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế đưa vào vận hành Cổng thông tin TMĐT hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn TMĐT kê khai, nộp thuế, tra cứu thông tin… Cùng với việc vận hành 2 Cổng TTĐT phục vụ người nộp thuế (NNT) kê khai, nộp thuế, ngành thuế đã sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới 7 quy trình quan trọng trong công tác quản lý thuế, góp phần tăng cường quản lý thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý rủi ro trên cơ sở dữ liệu về TMĐT, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT có hoạt động TMĐT thực hiện nghĩa vụ thuế dễ dàng.

Tổng cục Thuế xác định công tác quản lý thuế hoạt động TMĐT là vấn đề mới và khó khăn, do đó, ngành đã tổ chức nhiều hội thảo trong nước và quốc tế để cán bộ thuế có cơ hội tìm hiểu kiến thức và kinh nghiệm quốc tế. Cũng thông qua hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, DN, tổ chức quốc tế, các đơn vị nghiên cứu, hiệp hội ngành nghề có cơ hội hiểu thêm về các chủ trương, chính sách, định hướng của Đảng và Nhà nước đối với phát triển TMĐT. Từ đó, hỗ trợ và ủng hộ cơ quan thuế trong công cuộc cải cách hệ thống chính sách thuế, quản lý thuế theo hướng bao quát nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết thêm, thông qua việc thực hiện Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam”, ngành thuế đã bước đầu xây dựng được cơ chế phối hợp và chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như: Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước. Đây là nền tảng quan trọng để tăng cường công tác quản lý thuế có sự phối hợp của các Bộ, ngành để nâng cao hoạt động quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói riêng. Đặc biệt, trước những vấn đề còn mới và khó khăn, ngành thuế đã xúc tiến hợp tác quốc tế thông qua việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi thông tin, đàm phán các hiệp định song phương hoặc đa phương về thuế nhằm chống gian lận đối với hoạt động TMĐT.

Năm 2023: Thu khoảng 273.000 tỷ đồng từ thương mại điện tử

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các DN ngoài quốc doanh đã kịp thời chuyển đổi cách thức kinh doanh theo xu thế của TMĐT thay vì kinh doanh truyền thống nên vẫn tăng trưởng và duy trì được đà này.

Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong năm 2023 trong việc hỗ trợ người nộp thuế. Chính sách thuế cũng như việc quản lý thuế đã có những bước phát triển hiệu quả và chủ động trong triển khai thực hiện. Các cải cách thuế đã phù hợp với thông lệ thuế quốc tế và xu hướng kinh doanh hiện nay.

Ông Thomas McClelland - Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)

Để kịp thời thích ứng với những biến động của nền kinh tế số, công tác quản lý thuế đối với TMĐT cũng được Chính phủ chỉ đạo sát sao. Nếu như số thu từ hoạt động TMĐT năm 2020 chỉ đạt 123.000 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2019 (213.000 tỷ đồng), thì tại thời điểm bùng dịch Covid-19 năm 2021, con số này đã tăng cao, đạt 255.500 tỷ đồng, tương đương tăng 108%. Năm 2022, số thu đạt 263.300 tỷ đồng, tăng 3%. Dự kiến năm 2023, số thu từ hoạt động kinh doanh này đạt 273.000 tỷ đồng, tăng 5,9% so với năm 2022.

Số thu từ các NCCNN là một nguồn thu mới kể từ khi ngành thuế triển khai Cổng TTĐT dành riêng cho NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thực hiện khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế. Đến nay, đã có 74 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng TTĐT, trong đó năm 2022 có 42 NCCNN. Các NCCNN trên đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, như: Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Ireland, Lithuania, Thụy Sĩ, Australia, Anh... Trong đó, các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, có hoạt động kinh doanh trên toàn cầu như: Google, Meta, Microsoft, Tiktok... đã đăng ký và kê khai, nộp thuế hàng triệu USD. Tổng số thuế các NCCNN đã nộp là 11.498 tỷ VND. Riêng trong năm 2023, các NCCNN đã khai, nộp trực tiếp qua Cổng TTĐT là 6.896 tỷ đồng.

Theo Sách trắng TMĐT của Bộ Công Thương, tổng giá trị hàng hóa và tiêu dùng TMĐT tại Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng vượt bậc từ 8 tỷ USD năm 2020 lên 16,4 tỷ USD năm 2022 và có khả năng tăng trưởng 35% mỗi năm, dự kiến đạt 21,3 tỷ USD vào năm 2023 và 57 tỷ USD vào năm 2025. Với tốc độ tăng trưởng vượt bậc, TMĐT tiếp tục được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý thuế hoạt động TMĐT, lãnh đạo ngành thuế yêu cầu các đơn vị tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, trong đó rà soát lại cơ sở pháp lý, đồng thời tham mưu cho các cơ quan quản lý xây dựng, sửa đổi các chủ trương chính sách thuế để phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết: Ngành thuế sẽ tiếp tục rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục đối với hoạt động TMĐT để mở rộng và bao quát nguồn thu. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên tuyền và xử lý vi phạm, trọng tâm là nâng cao ý thức trách nhiệm của người nộp thuế, có chính sách khuyến khích, động viên người nộp thuế tự giác chấp hành pháp luật thuế./.

Cùng chuyên mục
Thuế thương mại điện tử đóng góp đáng kể cho ngân sách