Đánh giá chung về thị trường tài chính miền núi cho thấy: (i) rất kém phát triển so với khu với đồng bằng và càng kém xa so với khu vực đô thị cả về số lượng và chất lượng; (ii) thị trường tài chính đồng bộ với thị trường hàng hóa, dịch vụ chậm phát triển; (iii) thị trường tài chính gắn với hoạt động nông, lâm nghiệp là chủ yếu, công nghiệp và dịch vụ rất kém phát triển; (iv) thị trường tín dụng ngân hàng giữ vai trò quan trọng nhất trong khi thị trường bảo hiểm và chứng khoán hầu như là con số không; (v) đối tượng chính tham gia trên thị trường tài chính tín dụng là TCTD Nhà nước và người dân, hộ gia đình do số lượng các DN và TCTD thương mại còn ít; (vi) quy mô giao dịch trên thị trường nhỏ do hạn chế về quy mô kinh tế và triển vọng phát triển kinh tế - xã hội; (vii) cơ sở hạ tầng tài chính yếu kém do điều kiện địa lý tự nhiên, mật độ dân cư thưa thớt, mức độ đô thị hóa thấp, trình độ phát triển kinh tế - xã hội hạn chế và tập tục lạc hậu; (viii) có quan hệ chặt chẽ với thực tế và triển vọng phát triển kinh tế - tài chính biên mậu do nhiều tỉnh miền núi có chung đường biên giới với cả Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2018, cả 14 tỉnh miền núi phía Bắc chỉ có 15 thành phố còn Tây Nguyên có 5 thành phố đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế, tài chính của mỗi tỉnh nên địa điểm có khả năng đặt trung tâm giao dịch tài chính tín dụng là tại các thành phố, thị xã, thị trấn ước khoảng trên 300, tức chiếm khoảng 10% tổng số chi nhánh của các TCTD hiện nay. Đặc điểm chung là sự có mặt rộng khắp đến tận các thị trấn của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong khi mỗi tỉnh miền núi thông thường chỉ có sự góp mặt của 3 - 5 ngân hàng thương mại cổ phần và hầu như vắng mặt các ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài và ngân hàng liên doanh. Bên cạnh đó, tại mỗi tỉnh miền núi cũng có 1 phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã (tiền thân là Qũy Tín dụng nhân dân T.Ư) trong tổng số 27 chi nhánh và 63 phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã. Các tỉnh miền núi cũng không có nhiều qũy tín dụng nhân dân trong tổng số khoảng 1.000 qũy tín dụng nhân dân của cả nước. Như vậy có thể thấy, hệ thống tài chính miền núi ít về số lượng và thiếu tính đa dạng của các định chế tài chính, nhất là các định chế tài chính hiện đại, có tính cạnh tranh cao.
Thị trường tài chính có ưu điểm nổi bật là áp dụng công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính hiện đại để khắc phục hạn chế về không gian và tính thiếu tập trung của tài chính miền núi. Tuy vậy, cơ sở hạ tầng viễn thông, trình độ và tập quán tại miền núi hiện nay lại chưa thuận lợi để phát triển các dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại như: ATM, Credit card, mobile banking, internet banking, digital banking,... Khu vực miền núi chiếm tỷ lệ thấp nhất trong tổng số hơn 130 triệu thuê bao di động và gần 13 triệu thuê bao di động băng thông rộng cố định. Tuyệt đại đa số người dân miền núi vẫn tiếp xúc trực tiếp với TCTD và giao dịch tiền mặt chứ không thực hiện các giao dịch trực tuyến không dùng tiền mặt đang phát triển rất mạnh tại các đô thị lớn. Ngoài ra, tỷ lệ người mù chữ cao, hạn chế về trình độ học vấn, rào cản ngôn ngữ, lối sống du canh du cư,... cũng là những hạn chế ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính và phát triển thị trường tài chính miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát triển chung ở trình độ thấp, quy mô nhỏ, không đồng đều giữa các tỉnh và từng giai đoạn là những vấn đề cơ bản của thị trường tài chính miền núi. Tiềm năng của thị trường tài chính miền núi phụ thuộc vào mức độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa và phát triển DN ngoài nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, thị trường tài chính chỉ phát triển mạnh trong điều kiện đẩy mạnh mô hình trang trại và DN hoạt động trong trồng trọt và chăn nuôi, đồng thời chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất lớn áp dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại.
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế