Cơ hội cho tín dụng đen khi các cửa chính thức đềuđóng lại
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, dịch vụ tài chính chính thức ở Việt Nam dường như vẫn là một thứ xa xỉ với phần lớn dân số. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, trong khi các nước đang phát triển thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 60%. Đặc biệt, chỉ có 37% công dân Việt Nam vay tiền từ tổ chức cho vay chính thức, đây là con số rất thấp so với các nước láng giềng (Thái Lan là hơn 71%). Theo thống kê của StoxPlus (DN chuyên cung cấp thông tin về tài chính và DN Việt Nam), 47% người Việt Nam có hoạt động vay vốn, nhưng chỉ có 18,5% khoản vay đến từ các tổ chức tài chính, phần còn lại là từ bạn bè, người thân và tín dụng đen. Báo cáo của StoxPlus cũng cho thấy, khu vực nông thôn và ven đô với tổng dân số khoảng 60 triệu người là địa bàn chủ yếu của tín dụng đen, bởi các tổ chức tín dụng chính thức ít tiếp cận người tiêu dùng ở những khu vực này.
Phát biểu tại Tọa đàm “Mở rộng thị trường tín dụng, giải cứu người dân khỏi tín dụng đen”, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, người dân phải tìm đến tín dụng đen do nhiều nguyên nhân: thủ tục vay ngân hàng rất khó khăn, nhất là những người dân vùng sâu vùng xa, các bạn trẻ sinh viên. Còn cánh cửa thứ hai là các tổ chức tài chính thì họ thường chỉ cho vay các món nhỏ, bị quản lý bởi Luật Tài chính tiêu dùng với những quy định ngặt nghèo. Khi những cánh cửa kia đóng kín, người dân lại thấy ngay các tờ rơi với nội dung chỉ cần gọi điện là có tiền một cách dễ dàng. Có thể nói, người dân tìm đến tín dụng đen bởi các cửa chính thức đều đóng lại, kể cả với những người có nhu cầu thực sự để chi trả tiền học phí, bệnh viện…
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính - nhận định: Người đi vay hoàn toàn nhận thức được mức trả nợ là cao hay thấp, nhưng vấn đề nằm ở chỗ họ ở trong tình trạng không có giải pháp nào khác ngoài tín dụng đen. Có người dự định chỉ vay trong thời gian rất ngắn nên chấp nhận, nhưng cũng có người hy vọng, trông chờ vào các khoản thu nhập mang tính may rủi từ cá độ, lô đề nên kế hoạch trả nợ dễ bị đổ bể. Kết cục thường xảy ra là tình trạng nợ chồng nợ, nảy sinh các hành vi vi phạm pháp luật như: lừa đảo, bán tài sản của những người thân quen, trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người để lấy tiền trả nợ.
Nêu ý kiến tại Tọa đàm, TS. Đỗ Hoài Linh - Giảng viên Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng: Chỉ một mình tín dụng ngân hàng thì không thể loại bỏ hoàn toàn tín dụng đen. Thực tế cho thấy, mục đích vay tiền của người dân không phải lúc nào cũng chính đáng và hợp pháp, còn theo quy luật cung - cầu, ở đâu có cầu tất yếu sẽ có cung để thỏa mãn. Do đó, đẩy lùi tín dụng đen không phải là nhiệm vụ riêng của Ngân hàng Nhà nước.
Để tín dụng tiêu dùngphát huy tối đa hiệu quả
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, thị trường cho vay tiêu dùng sẽ tốt hơn khi có nhiều công ty tài chính cạnh tranh với nhau tại nhiều nơi trên toàn quốc. Lúc đó, người tiêu dùng sẽ nhận được các dịch vụ tốt hơn với giá cạnh tranh hơn.
Đồng ý với quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm, các công ty tài chính hiện nay phải mở rộng tín dụng hơn bằng nhiều sản phẩm đa dạng, ngoài ra phải quan tâm đến quản lý rủi ro. Về vấn đề lãi suất, thực tế ngân hàng chấp nhận rủi ro thấp nên lãi suất thấp, còn các công ty tài chính áp dụng lãi suất cao vì rủi ro lớn. Nhà nước nên cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) được mở công ty tài chính để họ tự mở rộng ra. Ngân hàng làm việc rất truyền thống với nhiều tiêu chí khắt khe, còn các tổ chức tài chính cũng có tiêu chí nhưng họ dùng nhiều tiêu chí mà ngân hàng không sử dụng, nhờ đó, họ có các đối tượng vay khác với ngân hàng.
Ngoài ra, Việt Nam cần sớm có hành lang pháp luật để chắp nối người cho vay và đi vay đến được với nhau. Các NHTM có thể điều chỉnh để cung cấp tín dụng nhiều hơn, cho các cá nhân vay nhiều hơn. Quy trình cấp tín dụng cũng cần thay đổi, quá chặt chẽ sẽ tự bó tay mình, tất nhiên là chỉ nên mở một mức nào đó.
Một vấn đề nữa là việc tận dụng công nghệ thông tin để giúp ngân hàng có dữ liệu về khách hàng và phân khúc thị trường một cách đầy đủ hơn. Công nghệ Blockchain, Big Data giúp các ngân hàng hiểu hơn về hành vi của khách hàng, không chỉ trên giấy tờ về thu nhập, pháp lý,… Trong vòng 3 năm tới, vấn đề cho vay ở Việt Nam sẽ thay đổi rất nhiều nhờ có sự tham gia của các công ty công nghệ.
Để tín dụng tiêu dùng hiệu quả, phát huy tối đa vai trò trong nền kinh tế, TS. Đỗ Hoài Linh đưa ra các giải pháp cung - cầu về vốn: Về phía cung, Nhà nước cần nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý các hoạt động tín dụng phi chính thức để chuyển những hoạt động này thành chính thức, nằm dưới sự quản lý của pháp luật; rà soát, tổ chức lại hoạt động của hệ thống ngân hàng chính sách, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân theo cả hướng mở rộng quy mô lẫn nâng cao chất lượng để các loại hình tổ chức này hoạt động hiệu quả và an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân; nghiên cứu để đưa vào quản lý, nhanh chóng ban hành khuôn khổ pháp lý thử nghiệm các hình thức tín dụng dựa trên công nghệ như cho vay ngang hàng, đặc biệt khi hoạt động cho vay này đang nở rộ trong thực tế thì rất cần những quy định kịp thời của pháp luật để điều chỉnh.
Đối với cầu, người dân cần được tuyên truyền và giáo dục nhận thức về tài chính, nâng cao hiểu biết về các tổ chức cấp tín dụng, dấu hiệu để nhận biết tín dụng đen. Về dài hạn, các kiến thức của tài chính cá nhân cần đưa vào khung đào tạo, trải dần từ bậc phổ thông đến đại học để trang bị kiến thức về tài chính từ cơ bản đến chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, chúng ta cần nghiên cứu triển khai thêm những hình thức cấp tín dụng siêu nhỏ và vừa mà các nước đã triển khai hiệu quả như: công ty cho vay trong ngày (payday loan company), công ty cho vay với tài sản bảo đảm là giấy tờ xe (car title loan company) để bảo đảm tính đa dạng của thị trường vay vốn.
Khi khu vực tín dụng chính thức vững mạnh cả về tài chính lẫn quản trị, việc mở rộng mạng lưới theo phương thức truyền thống cũng như phương thức công nghệ hiện đại sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính nói chung cũng như tín dụng nói riêng của người dân, từ đó áp lực về tín dụng đen sẽ được giảm dần.
NGUYỄN LY
Theo Báo Kiểm toán số 14 ra ngày 04-4-2019