Phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, nền nếp

(BKTO) - Trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, phê bình và tự phê bình là nguyên tắc cơ bản, quan trọng cần phải được quan tâm đặc biệt. Chất lượng của công tác phê bình và tự phê bình sẽ quyết định hiệu quả của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Vấn đề hết sức quan trọng, cấp thiết đặt ra là phải nâng cao chất lượng thực hiện phê bình và tự phê bình như thế nào cho tốt nhất?

2(2).jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 35 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1965). Ảnh: ST

Hơn 93 năm qua, trong sự trưởng thành, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo, chỉ đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, có một phần quan trọng đóng góp từ công tác phê bình, tự phê bình trong Đảng luôn đạt được những thành công thiết thực.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên tắc phê bình và tự phê bình có ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt. Người chỉ ra rằng: Trong hoạt động cách mạng, khó tránh khỏi có khuyết điểm, vấn đề cần thiết là nếu có khuyết điểm, phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình và kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm ấy. Với quan điểm: Thực hiện tốt phê bình và tự phê bình, phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sẽ đem lại những tiến bộ, thành công về mọi mặt, Hồ Chí Minh khẳng định: Muốn có lực lượng thì phải đoàn kết, mà muốn đoàn kết, lực lượng mạnh thì phải có phê bình, tự phê bình, phê bình, tự phê bình chính là để tăng thêm đoàn kết. Người cũng nhấn mạnh: “Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng, sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các giải pháp đồng bộ, tích cực để triển khai thực hiện nguyên tắc phê bình và tự phê bình. Trước hết, Người nhắc nhở phải thực hiện tốt phê bình và tự phê bình trong Đảng: “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thật sự tôn trọng, quan tâm đến ý kiến phê bình của quần chúng và phải tạo thuận lợi để quần chúng nhân dân làm tốt công tác phê bình cán bộ, đảng viên: “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng, phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên”.

Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng, sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Ta phải tự phê bình ráo riết và phải lấy lòng nhân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó đi đôi với nhau”. Người căn dặn: Phê bình và tự phê bình là công việc phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, “như rửa mặt hằng ngày”. Người cũng thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm cần phải được khắc phục, sửa chữa kịp thời, đó là tình trạng: “Phê bình và tự phê bình chưa thành nền nếp thường xuyên”.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguyên tắc phê bình và tự phê bình đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt, thực hiện nghiêm túc, thành công trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, nhất là trong giai đoạn đổi mới vừa qua. Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII của Đảng đã khẳng định: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình, chất lượng sinh hoạt đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý đội ngũ đảng viên, việc đánh giá, xếp loại, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật… của nhiều cấp ủy, đảng ủy, chi bộ cơ sở được nâng lên; phần lớn đội ngũ đảng viên của Đảng nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình…

Bên cạnh những ưu điểm là cơ bản, Đảng cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm cần phải được sửa chữa, khắc phục trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Như trong Nghị quyết Trung ương 5 nêu trên, Đảng thẳng thắn nêu rõ: Nguyên tắc tập trung dân chủ thực hiện chưa nghiêm; chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở, sinh hoạt cấp ủy, tinh thần tự phê bình và phê bình, công tác đánh giá, xếp loại còn hạn chế…

Để nâng cao chất lượng nguyên tắc phê bình và tự phê bình, đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, tích cực.

Tổng Bí thư từng nêu ra những vấn đề có tính nguyên tắc: “Kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng; người đứng đầu phải gương mẫu làm trước và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp, phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn”. Và xác định, khẳng định rõ ràng đối với: “Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng”.

Đảng ta và Tổng Bí thư cũng yêu cầu rất cụ thể: “Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất”. Đồng thời cần phải: “Hết sức tránh làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng”.

Đồng thuận, đồng hành cùng với Đảng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện nguyên tắc phê bình, tự phê bình là vinh dự, tự hào, tình cảm, trách nhiệm của chúng ta với Đảng, với nhân dân, đất nước. Yêu cầu đặt ra là mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác, quyết tâm thực hiện nghiêm túc phương châm, phương pháp mà Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra: “Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự, và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình”./.

Cùng chuyên mục
Phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, nền nếp