Phó Thủ tướng làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa

(BKTO) - Phó Thủ tướng lưu ý, các thành viên của Hiệp hội, cần đi đầu trong việc tăng cường ứng dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật... thay thế lao động thủ công để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường...




Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 7/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã gặp mặt đoàn đại biểu doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng khẳng định, doanh nghiệp, doanh nhân luôn có vị trí đặc biệt, là động lực phát triển và đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn coi mọi lực lượng dân tộc đều là nguồn lực của cách mạng. Kể từ ngày thành lập nước đến nay, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân nước ta lớn mạnh không ngừng.

Trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong gần hai thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động các nguồn lực vào phát triển kinh tế-xã hội, duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề xã hội.

Khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Hiện nay, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Số lượng doanh nghiệp trung bình trên 1.000 dân và 1.000 lao động liên tục có sự gia tăng trong những năm gần đây, năm 2019, bình quân cả nước có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động/1.000 dân so với 5,4 doanh nghiệp năm 2016.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng quà lưu niệm cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Giai đoạn 2017-2020, tỷ trọng của kinh tế tư nhân trong GDP luôn cao nhất và liên tục tăng, từ hơn 41,7% (2017) lên gần 42,7% (2020). Năng suất lao động, trình độ công nghệ, năng lực đổi mới, sáng tạo, khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng tăng. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng.

Với vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, trải qua hơn 15 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với số lượng hội viên ban đầu 300 hội viên doanh nghiệp và 2 liên minh hợp tác xã tỉnh, đến nay đã có hơn 80.000 hội viên là doanh nghiệp, ở 59/63 tỉnh, thành trên cả nước, thể hiện sự đoàn kết, liên kết để cùng nhau phát triển bền vững của giới doanh nhân.

Trong quá trình phát triển, Hiệp hội đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc tập hợp, kết nối, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp và giữ vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút khoảng 50% lực lượng lao động của cả nước.

Để đội ngũ doanh nhân hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, đổi mới, sáng tạo, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội; doanh nhân giàu có, thành đạt trở thành mục tiêu, khát vọng phấn đấu của nhiều người, nhất là giới trẻ góp phần vào thực hiện hóa khát vọng một Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc, Phó Thủ tướng đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đẩy mạnh phát triển tổ chức, đảm bảo tất cả 63 tỉnh, thành có tổ chức của Hiệp hội.

Qua đó, thực hiện tốt vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội; thường xuyên trao đổi thông tin, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội phải thực sự đại diện cho nguyện vọng của các thành viên, xây dựng mối liên kết trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước; giữa các địa phương trên cả nước; phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở cả Trung ương và địa phương phát động phong trào Khởi nghiệp sáng tạo trong nhân dân, nhất là trong độ tuổi thanh niên đầy hoài bão.

Phó Thủ tướng lưu ý, các thành viên của Hiệp hội; đặc biệt là thành viên tiêu biểu, cần đi đầu trong việc tăng cường ứng dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc, thiết bị công nghệ cao thay thế lao động thủ công để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Lãnh đạo các bộ, ngành nghiên cứu, chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia các chương trình, dự án của các bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp hội viên; đặc biệt là các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, áp dụng nền tảng công nghệ 4.0, nghiên cứu tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tư do như EVFTA, CPTPP, RCEP để phát triển./.

Theo vietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
  • Phó Thủ tướng: Phát huy trí tuệ và tinh thần xung kích của sinh viên
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chương trình kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam, tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương, trao giải thưởng “Sao Tháng Giêng” đã diễn ra tại Hà Nội.
  • Không thay đổi chiến thuật phòng, chống dịch COVD-19 ở trong nước
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trước sự xuất hiện của biến thể mới virus SARS-CoV-2, các lực lượng cần theo dõi tình hình nhưng về cơ bản, không thay đổi chiến thuật phòng, chống dịch trong nước, “giữ thật chặt từ bên ngoài..."
  • 10 sự kiện nổi bật trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam năm 2020
    3 năm trước Đối nội
    Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm cuối tiếp nối đà tăng trưởng và thành tựu của những năm trước để bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; đồng thời là năm bản lề hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tiếp tục phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao vì lợi ích chung của đất nước và Nhân dân, trong năm 2020 Quốc hội Việt Nam đã có nhiều hoạt động để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng cử tri và Nhân dân cả nước. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2021) và nhân dịp đầu năm mới 2021, Văn phòng Quốc hội điểm lại những sự kiện nổi bật trong năm 2020 của Quốc hội như sau:
  • 'Loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tiếp tay cho tội phạm'
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
  • 75 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM:  Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - 75 năm đã trôi qua kể từ khi lần đầu tiên người dân Việt Nam được thực hiện quyền làm chủ của mình, những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I năm 1946 vẫn còn nguyên giá trị, mang tính nền tảng của một chế độ bầu cử thực sự tự do, dân chủ.
Phó Thủ tướng làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa