Phó Thủ tướng Thường trực thăm Học viện Nông nghiệp Việt Nam

(BKTO) - Chiều 15/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến dự Lễ kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2019) và chúc mừng thầy, cô giáo Học viện Nông nghiệp Việt Nam.




Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Gửi đến các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, viên chức, người lao động, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của Học viện lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “nông dân ta giàu thì nước ta giàu; nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tiền thân là Đại học Nông Lâm, là một trong các trường đại học được thành lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đó.

Bày tỏ vui mừng với những thành tựu đạt được của Học viện, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, hiện nay, Học viện được xác định là một trong các trường đại học trọng điểm của đất nước. Lực lượng cán bộ do Học viện đào tạo đã và đang là nguồn nhân lực chủ chốt trên mặt trận nông nghiệp và phát triển nông thôn từ Trung ương đến các địa phương, họ đã cống hiến sức lực và trí tuệ vào những thành tựu nổi bật của nông nghiệp và nông thôn nước ta, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ghi nhận và biểu dương những thành tựu to lớn mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội, Phó Thủ tướng mong muốn, sinh viên được đào tạo từ Học viện sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng để góp phần đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, Đảng ta luôn khẳng định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu và khoa học-công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của đất nước. Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần tập trung, nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đề ra cho Học viện, trong đó chú trọng đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao, gắn với thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cho sinh viên; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục-đào tạo - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Thường trực cũng lưu ý, Học viện phải tích cực và chủ động chuẩn bị thật kỹ để thực hiện có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Luật Giáo dục năm 2019 để cùng các cấp, các ngành hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, nhất là giáo dục đại học trong thời kỳ mới. Học viện phải tích cực thực hiện chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học để đào tạo ra các cử nhân, kỹ sư, tiến sĩ... không những có kiến thức và kỹ năng chuyên môn tốt mà còn có những khả năng sáng tạo, kỹ năng hợp tác, tư duy phản biện, năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng; có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, với gia đình, cộng đồng và đất nước. Do vậy, ngoài đào tạo chuyên môn cần coi trọng đào tạo kỹ năng mềm, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho sinh viên.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Học viện phải tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và bùng nổ thông tin hiện nay. Học viện phải nhanh chóng chuyển đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo bắt đầu từ việc xác định đúng chuẩn đầu ra và chuyển đổi phương pháp đào tạo từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học trên cơ sở coi sinh viên là trung tâm của quá trình đào tạo; ứng dụng tối đa công nghệ để nâng cao hiệu quả đào tạo, gắn đào tạo trong nhà trường với thực tiễn sản xuất-kinh doanh và khuyến khích hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên.

Cùng với đó, Học viện phải tập trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới đào tạo; đổi mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học; phấn đấu nhanh chóng trở thành một trường đại học nghiên cứu mẫu mực như đã định hướng. Học viện cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học công nghệ với đào tạo và phục vụ sản xuất, dịch vụ xã hội; tích cực, sáng tạo thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là “các nghiên cứu của Học viện phải hướng tới “tam nông” (nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh) với trọng tâm nghiên cứu để phục vụ phát triển một nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nông nghiệp thành công theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục tiêu bao trùm của nghiên cứu là thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục-đào tạo - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất để Học viện Nông nghiệp Việt Nam tích cực tham gia vào các chương trình do Bộ chủ trì, trước mắt là chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, chống biến đổi khí hậu, chương trình phát triển cây ăn quả, thủy sản... và các chương trình khác trong thời gian tới.

Theo Giáo sư Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trải qua chặng đường 63 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã đạt được nhiều thành tựu về công tác chính trị, tư tưởng; xây dựng đội ngũ; phát triển chuyên môn, đặc biệt là xây dựng chương trình, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển nông nghiệp và nông thôn của nước nhà. Đến nay, Học viện đã đào tạo cho đất nước hơn 100.000 cán bộ có trình độ đại học, hơn 10.000 thạc sĩ và hơn 600 tiến sĩ, đây là nguồn nhân lực quý giá, đang hằng ngày, hằng giờ lao động, sáng tạo, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nhiều nước bạn như Lào, Campuchia, Mozambique, Angola... đều ghi nhận về sự đóng góp của Học viện trong đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước bạn.

Học viện luôn xác định chất lượng là sự sống còn, sự trường tồn, nên đã quyết tâm thực hiện đổi mới công tác đào tạo, xây dựng và triển khai đề án nâng cao chất lượng đào tạo, thực tập, rèn nghề cho sinh viên tại các cơ sở sản xuất và thực tiễn. Học viện đã xây dựng chuẩn đầu ra của sinh viên trên phương châm không những giỏi về chuyên môn, ngoại ngữ mà còn giỏi về các kỹ năng xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề đạt trên 90% sau một năm tốt nghiệp.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Học viện đặc biệt chú trọng đổi mới công tác quản lý khoa học, hình thành 50 nhóm nghiên cứu mạnh chuyên sâu về các lĩnh vực nông nghiệp, tập trung các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và bắt đầu hoạt động có kết quả. 10 tháng năm 2019, đã có 10 giống cây trồng mới được công nhận cấp quốc gia, nhiều tổ hợp triển vọng của các giống lúa, ngô, khoai tây và cà chua được gửi đi khảo nghiệm; thiết lập cây phả hệ và đăng ký trên ngân hàng gene thế giới 9 chủng virus có tiềm năng sản xuất vaccine thú y; đang triển khai nghiên cứu vaccine phòng chống bệnh dịch tả châu Phi. Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được chuyển giao vào sản xuất.

Nhận thức rõ học phải đi đôi với hành, nghiên cứu khoa học và đào tạo phải gắn liền với thực tiễn sản xuất, trường đại học không thể tách rời doanh nghiệp, trang trại, địa phương nên Học viện luôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thử nghiệm kết quả nghiên cứu xây dựng và triển khai các chương trình tư vấn, quy hoạch, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển sản xuất và đời sống. Học viện đã tham gia tuyển chọn thành công 4 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, 5 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bộ, tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho vật nuôi của Việt Nam, thực hiện tốt hơn 30 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, 50 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bộ, tiếp tục thực hiện các họp đồng hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với hàng trăm công ty, doanh nghiệp.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tập thể Học viện có một nhà giáo được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, một tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, một nhà giáo nhà khoa học được giải thưởng Kovalevskaia, một cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trao Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục-đào tạo từ năm học 2014-2015 đến năm học 2018-2019.

Theo Lê Sơn
baochinhphu.vn
Cùng chuyên mục
  • Băn khoăn quy định bỏ con dấu doanh nghiệp
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đề xuất của Chính phủ về quy định bỏ con dấu DN trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn vì cho rằng, quy định này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt pháp lý
  • Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Không nên cấm mà cần quy định rõ điều kiện kinh doanh
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Sáng 15/11, trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
  • Đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, tại phiên họp sáng nay (15/11), Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật là Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về DNNN.
  • Nghiêm trị mọi hành vi phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nghị định này quy định về nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng, phương tiện phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
  • Thủ tướng mong muốn FTA Việt Nam - EAEU phát huy hiệu quả hơn nữa
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trưa 14/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Nurlan Nigmatulin, Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan, 1 trong 5 thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), liên minh có FTA với Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực thăm Học viện Nông nghiệp Việt Nam